1. Bà Pearl Buck (giải Nobel văn chương 1938) là con của một nhà truyền giáo Tin lành. Bà đến Trung Hoa khi chưa biết gọi “mẹ”. Bà nói tiếng Hoa trước khi nói tiếng Mỹ, vì suốt ngày sống với cô vú người Hoa.
Bà kể lại rằng một ngày kia bà sửng sốt và giận dỗi vì người Hoa chê người Mỹ : “Người Mỹ nào cũng có mùi hoi hoi, mùi của con dê đực”. Bà không hiểu tại sao cái mũi của người Hoa lại “sai lầm” như thế.
Sau này có một lần được trở về Mỹ. Bà đi coi hát ở rạp xinê. Hôm ấy bà mới thấy rằng cái lỗ mũi của người Hoa có lý. Bà tự thú : “Quả thật người Mỹ chúng ta hôi quá…”.
Vậy thì khách quan mà nói : Người Mỹ hôi hay không hôi ? Mũi người Tàu cảm giác đúng hay sai ? Không ai trả lời được. Nhưng chắc chắn là mũi người Tàu cảm thấy rằng người Mỹ có mùi hoi hoi như mùi của dê đực. Vậy thôi. Đừng tranh cãi làm gì. Ở đây không có chân lý tuyệt đối. Chỉ có chân lý của người này người nọ, trong hoàn cảnh này và hoàn cảnh kia… Tương đối mới là định luật cho con người.
2. Trái sầu riêng nằm chình ình ở giữa tấm pông sô. Nam thanh nữ tú quỳ xung quanh. Mắt Nam kỳ sáng lên đồng thanh tuyên ngôn : “Thơm tuyệt vời”. Bắc kỳ khịt khịt lỗ mũi nhất loạt tuyên bố : “Thối như c…”.
Số lượng Bắc kỳ và Nam kỳ thì bằng nhau. Số thăm “pro” và “contre” cũng bằng nhau. Vậy thì sầu riêng là thơm hay là thúi ? Không ai dám trả lời. Đành án binh bất động. Dường như phía Bắc kỳ có vẻ mạnh hơn về mặt dẫn chứng cho lý luận :
s Sầu riêng nhão nhão giống y như “nó”.
s Sầu riêng có màu vàng vàng y hệt món “ấy”.
s Do đó kết luận rằng sầu riêng giống như “c.” thì quả là không sai.
Nhưng trong thực tế, thì Nam kỳ thủ lợi tuyệt đối. Bắc kỳ bỏ đi, Nam kỳ xơi hết. Trơ trụi. Nhẵn nhụi…
Một vài nhà tu đức nhào vô đề nghị : Vì tình yêu đồng bào ruột thịt, yêu cầu mọi người từ Bắc chí Nam đồng tâm nhất trí tuyên bố : “Sầu riêng thơm tuyệt vời”. Im lặng tuyệt đối. Đề nghị thứ hai ra đời : Vì tình yêu đại đồng, xin mọi người từ Nam chí Bắc một lòng một dạ khẳng định rằng : “Sầu riêng thối như C.”. Vẫn im lặng tuyệt đối.
Có ai đó lẩm bẩm : “Đồng tâm nhất trí giả tạo. Một lòng một dạ gian dối. Tất cả đều do ma quỷ mà ra”.
Một ai đó lại rù rì một mình : “Sầu riêng thơm hay thúi thì kệ cha nó. Cần gì phải một lòng một dạ”, “đồng tâm nhất trí” um sùm lên làm chi cho rối việc. Đứa nào thích thì ăn. Đứa nào chê thì đi chơi chỗ khác. Đừng cãi nhau nhức đầu lắm.
3. Augustinô, nguyên giáo sư Đại học Milanô, vắt tay khu đít, tản bộ trên bờ biển thanh vắng. Ông là triết gia, ông là trí thức, ông bẩm sinh thông minh hơn người. Ông nhập đạo, nhưng vẫn kiêu ngạo. Ông không chịu đầu hàng trước cái gọi là “Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi”. Ông vắt óc suy nghĩ. Vắt mãi mà chả được gì. Ông muốn giải trí một tí. May quá có thằng cu tí lạ hoắc vọc cát trên bãi. Nhà thông thái dừng chân để thư giản.
- Bé làm chi mà cứ múc nước đổ hoài vào cái lỗ đó ?
- Thưa bác, con muốn tát cạn cái biển kia. Con muốn rút hết nước của nó bỏ vào cái lỗ còng này.
- Sao con làm gì mà kỳ vậy. Lỗ thì nhỏ, biển thì mênh mông. Làm sao con thu hết cái mênh mông vào cái tí xíu.
- Bác còn kỳ hơn con nữa. Cái đầu của bác thì bé tí mà bác đòi hiểu cái mầu nhiệm cao xa bạt ngàn bát ngát của Chúa Ba Ngôi… (Nói xong thằng bé bốc hơi).
Giáo sư Augustinô mắc cỡ, cúi đầu làm thinh, chừa cái thói kiêu ngạo lấy “tương đối” để gói cái “tuyệt đối”.
Thì ra ở đời vẫn có chân lý. Nhưng đó là chân lý của loài người bé tí. Chân lý tuyệt đối vẫn xa lắc xa lơ ở trên trời bao la. Khiêm tốn chờ mong, đừng hòng nắm bắt.
4. Ông Pharisêu, ông kinh sư, an tâm bước đi trên đường lịch sử. Ông có chân lý tuyệt đối làm kim chỉ nam, làm bản đồ để dìu dắt ông và để ông dìu dắt ngàn vạn sinh linh. Chân lý ấy, kim chỉ nam ấy là LUẬT.
LUẬT tự bản chất là Thánh được Giavê mạc khải cho Môisê viết ra. LUẬT trải đầy trên các trang sách Lêvi và Đệ nhị luật. LUẬT còn rải rắc trên sách Dân số và Xuất hành.
Các rápbi cả quyết rằng càng chi li trung thành với LUẬT bao nhiêu thì càng thánh thiện bấy nhiêu.
Con đường “LUẬT là chân lý” ấy chạy ngoằn ngoèo trên dòng lịch sử 13 thế kỷ. Chẳng ai dám thắc mắc. Dại gì mà thắc mắc. Rồi đến một ngày kia, Đức Giêsu nói “không” với một số LUẬT thánh.
s LUẬT cho ly dị. Đức Giêsu bảo “không”.
s LUẬT cấm trị bệnh ngày Sabát. Đức Giêsu chữa bệnh tưới hạt sen bất phân ngày thường hay ngày Sabát.
s LUẬT bảo ném đá những ai ngoại tình. Đức Giêsu bảo : “Ai sạch tội thì ném đá trước đi”.
Nhận xét về LUẬT, Đức Giáo Hoàng Phêrô đã mạnh dạn tuyên bố : “Chúng ta không được thách thức Thiên Chúa mà quàng lên cổ các tín hữu cái ách mà cả ông cha chúng ta lẫn chúng ta vác không nổi” (Cv 15,10).
Cái chân lý tuyệt đối của LUẬT, bỗng rơi xuống hàng tương đối. Hẫng. Hẫng cho 13 thế kỷ dài đằng đẵng. Một bài học chua chát cho muôn thế hệ.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu