Mình thì vừa đon đả vừa tếu táo. Hai ni sư thì hồn nhiên và vui vẻ. Nội dung buổi giao lưu đánh đu từ nhà thờ sang nhà chùa, từ Đức Phật sang Đức Giêsu, từ ni sư sang bà phước, từ Tân ước sang kinh Vêđa.
Hai ni sư gọi mình là cha và xưng con ngọt sớt. Một trong hai ni sư nũng nịu :
“Cha ơi ! Cha đừng buồn con nhá. Con công nhận Đức Giêsu là một chân sư, hiền từ và nhân ái vô cùng, đến độ tha thứ hết mọi tội độc ác của kẻ thù. Nhưng con vẫn còn thấy Người còn thua xa Đức Phật. Người không tự chủ khi đánh đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ, xô đổ bàn của người đổi tiền, đá lồng chim câu chim gáy. Chúa không “tham”, không “si”, nhưng vẫn còn “sân”…
Để minh họa cho ý tưởng trên đây, ni sư thứ hai kể chuyện:
“Đức Phật đang ngồi thiền. Có ai đó đến chém Ngài, máu tung tóe. Đó là kẻ thù. Sau đó có một người vội vàng chạy đến băng bó cho Ngài. Đó là người bạn. Kẻ thù chém Ngài bị thương, Ngài không buồn không ghét, nét mặt vẫn bình thản. Người bạn đến băng bó cho Ngài, Ngài không yêu hơn kẻ thù kia, nét mặt cũng vẫn bình thản như thế. “Sân” bị diệt hoàn toàn trong Đức Phật.
Mình ghi nhận lời và ý của hai ni sư để suy nghĩ về sau. Còn trước mặt hai ni sư, mình chỉ cười vô tư.
Uống cạn chén trà, hai ni sư cáo từ ra về. Mình cảm thấy nhà thờ và chùa chiền gần nhau như hai cái căn phòng của một ngôi nhà. Tình người chan chứa.
Khi màn đêm buông xuống, thì mùng lưới của mình cũng sập theo. Ngoài trời không một ánh sao. Mưa lất phất. Trong nhà không có đèn chong đêm. Tối thui. Mình nằm ngửa, gác chân chữ ngũ, suy nghĩ sự đời, ngẫm suy chuyện Đức Giêsu còn “sân” đầy mình.
Quả thật có một cái gì đó không ổn.
1. Chúa quá nóng giận. Nóng giận như điên khùng : xô bàn ghế đổ kềnh càng, đá lồng chim lăn long lóc, đánh đuổi chiên dê bò chạy tán loạn. Đúng là không biết tự chủ. Đúng là còn “sân” đầy mình thật.
2. Kết án thương buôn “biến nhà Cha Ta, nơi cầu nguyện, thành hang ổ trộm cướp” là quá đáng, là bất công. Việc buôn bán này là hợp pháp, hợp tình, hợp lý.
· Hợp pháp vì Thượng tế chia lô cho họ buôn bán và nộp thuế cho đền thờ.
· Hợp lý vì nơi buôn bán tọa lạc trong sân người ngoại, còn rất xa nơi cầu nguyện là sân tư tế. Phải qua một sân phụ nữ, một sân Israel nữa mới tới sân tư tế. Cái ồn ào, cái hổ lốn của sân người ngoại không làm ai chia trí khi cầu nguyện cả.
· Hợp tình vì khách từ phương xa tới, muốn mua một con bò, một con dê… để dâng lễ thì có ngay đó. Tiện quá. Lợi quá. Mừng quá. Do Thái kiều từ nước ngoài trở về, muốn dâng tiền thì phải là tiền đền thờ. Thì có người đổi tiền ngồi ở đó. Gọn quá. Sướng quá.
Người ta thường nói : “Giận thì mất khôn”. “Nóng là khùng trong chốc lát”. Mà ở đây thì Chúa nóng quá, giận quá !... Giận là “sân”. Có “sân” thì còn “si”. “Si” là dại.
Đức Phật thì không “tham, sân, si”. Còn Chúa thì chỉ không “tham” thôi, chứ “sân, si” thì còn nhiều quá. Vậy là Đức Phật hơn Chúa ba lần !
Mình không muốn đưa các vị siêu phàm ra để so sánh và xếp hạng. E rằng như vậy là thất lễ. Nhưng tại sao một Ngôi Lời làm người lại còn “sân si” như thế ?
Vấn đề trở thành nghiêm trọng. Mình không dám gác chân chữ ngũ để suy nghĩ nữa. Phải quỳ lên mà cầu nguyện thôi.
Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Người dùng lời để trình bày Ý và TÂM của Chúa Cha. Nhưng lời rất hạn chế, nên không đủ để diễn tả Ý và TÂM. Trong trường hợp đó, Chúa phải vận dụng giọng nói, hành động, ánh mắt, nét mặt, thì Ý và TÂM của Chúa Cha mới được sáng tỏ. Ví dụ :
· LỜI nói rằng : “tôi buồn lắm” thì cái buồn đó chưa lớn. Nhưng nếu LỜI ấy lại có thêm nước mắt đằm đìa nữa thì cái buồn ấy mới thật thấm thía.
· Đứa bé đang đi về phía vực thẳm mà không hay biết. Nếu LỜI của mẹ chỉ ôn tồn rỉ rả : “Con ơi ! Con sắp rơi xuống vực thẳm rồi đấy”, thì nguy hiểm có thể không tránh được. LỜI của Mẹ lúc ấy phải được suy bằng cách gào thét, hớt hải chạy và kéo giật đứa bé trở lại. Phải như vậy mới tránh được thảm họa cho đứa bé. Mẹ la hét không phải vì bản chất hung dữ.
Đức Giêsu sống trong một thời mà đường lối mục vụ Do Thái giáo chỉ còn là ngôi mộ tô vôi, tôn giáo chỉ còn là phương tiện mưu danh và lợi. Sự giàu có của đền thờ Giêrusalem đã làm hư giới tư tế. Đạo bị thương mại hóa. Đó là một trọng tội mà LỜI không thể nói hết được. Phải có những cử chỉ hung dữ để mạc khải Ý và TÂM của Chúa Cha. Cái nóng nảy, cái hung dữ của Đức Giêsu chỉ xảy ra một lần ấy để nói rằng : Lợi dụng tôn giáo để làm kinh tế là làm nhục Thiên Chúa một cách khủng khiếp.
Đó là vở tuồng mà Đức Giêsu phải diễn. Sau đó Người lại trở về với bản chất của mình là hiền lành và khiêm nhường từ trong thẳm sâu của tâm hồn.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu