Thứ bảy, 23/11/2024

Suy tư 7: Chuỗi Mân Cô - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 10:38 14/11/2014
Đức Giáo Hoàng lần chuỗi. Bà già lần chuỗi. Trẻ em lần chuỗi. Người người lần chuỗi. Tôi cũng lần chuỗi.




Hồi còn bé tôi lần một ngày mười chuỗi. Để làm gì ? Để ghi vào sổ kho thiêng liêng. Đọc rất nhanh, để được nhiều chuỗi. Dù chỉ là thế, cũng chẳng xấu gì.
Cha Georges khi bị giam trong hầm rực sáng 24/24 với ngọn đèn 500 W, cha lần chuỗi để tính thời gian. Thời ấy chỉ được cử hành thánh lễ từ 0 giờ tới 12 giờ. 18 giờ đi cầu tập thể. Cha bắt đầu lần chuỗi từ lúc ấy. Cứ mỗi giờ cha lần được 36 chuỗi. Cho chắc ăn, cha lần thêm chuỗi thứ 37, để biết mình đã qua 0 giờ của ngày hôm sau. Cha bắt đầu làm lễ - Lễ lớn. Lần chuỗi để tính giờ, nhưng cũng là tôn sùng Đức Mẹ. Cũng tốt thôi.
Người ta còn lần chuỗi để lĩnh ân xá. Ân xá càng nhiều càng dễ vào Thiên đàng. Thậm chí người ta còn xin các cha dòng Đaminh làm phép xâu chuỗi, vì chuỗi này được lãnh nhiều ân xá hơn. Buồn cười. Nhưng tốt thôi.
Có người phải lần chuỗi để dỗ giấc ngủ. Nếu không lần chuỗi, thì hai mắt cứ ráo hoảnh, mở thao láo, tỉnh queo. Nhưng hễ cứ bắt đầu lần chuỗi, thì hai mắt bắt đầu lim dim, rồi “ngất lịm”. Chuỗi Mân côi bị sử dụng như thuốc an thần. Cũng chẳng đáng trách. Chẳng ai dám trách. Lần chuỗi để ngủ, hay lần chuỗi thì ngủ. Chẳng ai dám biện phân, vì cứ lần chuỗi là tốt rồi.
Người ta kể lại rằng khi Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima thì :
Ø Ngài khuyến khích loài người lần chuỗi. Lần chuỗi là một trong ba phương thế chống chiến tranh, xây dựng hòa bình. (Cải thiện đời sống, lần chuỗi Mân côi, tôn sùng Mẫu tâm).
Ø Chính Đức Mẹ mang xâu chuỗi trên tay và cùng lần chuỗi với các em được phước thấy Đức Mẹ.
Lần chuỗi Mân côi đã trở thành một tập quán của nhiều đoàn thể và của hằng hà sa số cá nhân. Chuỗi Mân côi được đeo ở cổ thay dây chuyền, được đeo ở thắt lưng như vũ khí thiêng liêng phòng thân. Có chuỗi dài 150 hột, có chuỗi dài 50 hột, có chuỗi chỉ có 10 hột. Xâu chuỗi còn được biến dạng thành cái nhẫn nổi gân. Vừa khiêm tốn, vừa kín đáo, vừa tiện lợi.
Đức cha Fulton Sheen kể chuyện. Có một đôi bạn trẻ đến thăm ngài và thắc mắc về chuỗi Mân côi.
- Tại sao người Công giáo lần chuỗi và đọc đi đọc lại mãi kinh Kính mừng mà không chán sao ?
- Được rồi. Vậy cô gái ngồi kế bạn là ai đấy ?
- Là người yêu của con.
- Con đã nói với người yêu câu “Anh yêu em” chưa ?
- Rồi.
- Mấy lần ?
- Hoài hoài.
- Có chán không ?
- Không bao giờ.
Cũng vậy thôi. Người Công giáo đọc kinh Kính mừng mãi mà không chán. Cũng chỉ vì yêu đó thôi.
Một câu chuyện về chuỗi Mân côi vừa vui vui, vừa có sức thuyết phục. Hay !
Sau khi lần chuỗi hơn 60 năm, tôi bắt đầu suy nghĩ và tự đặt vấn đề. Đặt vấn đề cho chính mình mà thôi. Không dám đụng đến bất cứ người nào.
1. Hơn 60 năm lần chuỗi. Khi thì 10 chuỗi một ngày. Khi thì một ngày một chuỗi. Nếu lần chuỗi để lãnh ân xá, thì kho ân xá của tôi cao chất ngất, lấp đầy cả luyện ngục lẫn hỏa ngục. Nhưng liệu có dám tin và được phép tin như thế không ?
2. Thầy của tôi ngày xưa dạy rằng : “Lần hạt Mân côi là : miệng thì đọc những kinh Kính mừng, còn lòng thì suy gẫm các Mầu nhiệm Mân côi”. Tôi cứ làm mãi như thế từ bé cho đến bây giờ.
Bỗng một hôm, tôi giật mình và tự hỏi : Lần hạt như thế có hữu lý không ? Tôi bảo không. Lý do :
- Khẩu phải tụng chung một đề tài mà tâm đang suy, thì mới có dấu ấn sâu đậm.
- Ở đây, khẩu tụng kinh Kính mừng, mà tâm lại suy về cuộc đời Đấng Cứu Thế qua 15 biến cố. Khẩu và tâm giành nhau in ảnh khác nhau trên một tấm phim. Tấm ảnh ấy nhiếp ảnh viên gọi là gì nhỉ ? Họ gọi là “phô” (faux) rồi lặng lẽ cắt bỏ. Tôi có nên tiếp tục lần chuỗi như thế nữa không ?

3. Cứ mỗi chục kinh Kính mừng, thì có một mầu nhiệm cứu độ phải được suy gẫm. Ví dụ mầu nhiệm thứ ba “Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá”. Mầu nhiệm lớn quá.
- Một Ngôi Lời làm người. Vĩ đại quá !
- Sanh trong cảnh túng thiếu cực kỳ. Tại sao ?
- Tâm tư của Mẹ Maria trong tình huống ấy.
- Tâm tư của Thánh Giuse.
- Tâm tư của các mục đồng.
- Tâm tư của các Thiên sứ với lời ca tuyệt diệu : “Vinh danh Thiên Chúa… Bình an dưới thế…”
- Hôm nay đứng trước hang đá Bêlem, ta thấy gì và rung cảm ra sao ?
Để suy gẫm như thế, thì phải mất tối thiểu 10 phút. Thế mà trong thực tế chẳng bao giờ tôi suy gẫm. Tôi chỉ đọc : “Thứ ba : Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn”. Một bài gẫm mà chỉ kéo dài có 4 giây. Như vậy là suy gẫm ư ? Có hời hợt không ?
Lần chuỗi hơn 60 năm. Suy gẫm mầu nhiệm thứ ba mùa Vui ấy gần 30 ngàn lần. Vậy mà vẫn chỉ có một tư tưởng, một tâm tình (tâm tư của ai đó chứ không phải của mình). Tâm tư ấy là : xin cho được lòng khó khăn. Một mầu nhiệm lớn lao như thế mà chỉ đem lại một tư tưởng như thế, một tâm tình như vậy thôi sao ? Nghèo nàn đến thế là cùng ! Và phải trả giá bằng thời gian dài 60 năm.
4. Tôi không thể tiếp tục lần chuỗi kiểu đó. Tôi tìm cho mình một lối đi.
- Khi lần chuỗi chung với người khác, thì đành chịu như thế. Có thể đề nghị suy gẫm dăm phút cho mỗi mầu nhiệm.
- Khi lần chuỗi riêng, thì phải tách hai việc “khẩu tụng” và “tâm suy”. Tâm suy mầu nhiệm có thể lâu dài tùy nghi. Càng lâu càng tốt. Khẩu tụng kinh Kính mừng không thể ngân nga như đọc, mà phải rỉ rả như nói chuyện với Mẹ.
- Không cần lần hết chuỗi. Không cần biết được ân xá nhiều ít. Kính mến Mẹ thì không tính toán như thế.
Lm. Pio Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
Dấn thân (12/09/2014)
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log