Thứ bảy, 23/11/2024

Suy tư 3: Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 15:00 20/09/2014
Mình đến dự một đám tang. Im phăng phắc. Hơi lạ. Mình hỏi một vành khăn tang.
- Tại sao đám tang này không có một tiếng khóc ? Có lẽ có một lý do đặc biệt lắm.
- Muốn khóc lắm. Nhưng sợ sai ý Chúa.
- Ủa, tôi chưa hiểu. Tại sao khóc người thân “ra đi” mà sai ý Chúa ?
- Đó là lời Chúa. Thế chú chưa đọc Kinh thánh hả ?
- Đọc hoài mà không thấy điều này.
- Chú đọc lại câu chuyện Chúa phục sinh đứa con trai của bà góa ở Caphácnaum. Chúa nói với người mẹ của cậu hai sắp phục sinh : “Bà đừng khóc”. Đấy, Chúa cấm khóc người chết đó.
- Ừ nhỉ. Thế nhưng nếu thân nhân tôi chết, tôi cứ khóc.
- Vậy thì còn gì là lời Chúa.
- Còn. Còn hoài.
- Tại sao chú nói ngang thế ?
- Tại tôi muốn bắt chước Chúa.
- Chú bắt đầu lộng ngôn rồi.
- Không ! Xin hãy đọc Tin lành Thánh Giăng, chương 11. Chúa đến trước mộ của Ladarô. Ngài thổn thức. Ngài khóc. Chắc là Ngài khóc dữ lắm, nên người ta mới nói với nhau rằng : “Kìa xem Ngài thương anh ấy biết dường nào”.
- Ừa, mà thế thật. Vậy tôi phải hỏi lại mục sư về vấn đề này mới được.

Sau câu chuyện tranh luận vô duyên về Thánh kinh ngay trong một gia đình có tang, mình bắt đầu suy nghĩ và băn khoăn về cái gọi là “lời Chúa”. Chúa nói sai nhiều. Nhiều khi Chúa tự mâu thuẫn.
1. Chúa nói trật, trật nhiều, biết nhiêu mà nói.
s “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Israel” (Lc 7,9). Đó là lời Chúa nói về niềm tin của viên sĩ quan La Mã ở Caphácnaum. Tôi quả quyết rằng nhận xét ấy của Chúa sai quá lẽ. Trong nước Israel có rất nhiều người có niềm tin như thế, hơn thế, hơn ngàn lần nữa là khác. Ai dám bảo những người sau đây có đức tin nhỏ hơn đức tin của viên đại đội trưởng ấy : Ông Dacaria, bà Êlisabét, ông cụ Simêon, Thánh Gioan Tẩy giả, Thánh cả Giuse, và… Đức Maria. Ôi đức tin của Mẹ maria ! Tuyệt vời ! Đức tin của ông đại úy ấy là cái thá gì mà so sánh với đức tin của Đức Mẹ.
s Lời Chúa đã được đặt vào miệng của Tổ phụ Abraham để trả lời cho ông phú hộ ở dưới âm phủ như sau : “Con ơi, con hãy nhớ con sung sướng suốt đời, nên bây giờ con phải khổ. Còn Lagiarô thì phải sống khốn, sống khổ suốt đời, nên bây giờ nó phải được an ủi”. Thì ra nguyên nhân của hạnh phúc và đau khổ vĩnh hằng chỉ giản dị là thế thôi ư ? Muốn lên Thiên đàng thì hôm nay phải khổ ư ? Muốn lên Thiên đàng thì hôm nay phải khổ ư ? Vậy thì cứ ôm lon đi lang thang, nghêu ngao “lạy ông, lạy bà” từ đầu chợ đến cuối chợ thì chắc ăn nhất.
2. Lời Chúa tự mâu thuẫn cũng không ít.
s Trong Mt 6,7-8 Chúa dạy : Khi cầu nguyện đừng lải nhải, đừng tưởng rằng cứ nói nhiều là được. Tại sao ? Vì Cha trên trời biết hết rồi. Thế rồi trong Lc 18,1-8 Chúa lại bảo khi cầu nguyện, phải bắt chước một bà góa kia. Bà này bị người ta ăn hiếp. Bà đến quan tòa để thưa. Ông quan này cứ lờ đi như người điếc. Bà không nản lòng. Bà cứ kêu, cứ thưa, dai như đỉa. Điếc tai quá chịu không nổi, ông quan tòa đành phải xử cho bà. Phải chăng hôm nay thì Chúa dạy : khi cầu nguyện thì đừng lải nhải ; còn ngày mai thì Chúa lại dạy : Hãy lải nhải ?
s Dụ ngôn “người bạn quấy rầy” trong Lc 11,5-8 cũng về phe với bà góa trong Lc 18,1-8.
Suy nghĩ vẫn vơ như thế một thời, mình đi đến kết luận :
- Không thích “Lời” Chúa nữa.
- Thích tìm hiểu “ý” Chúa.
- Rất thích tìm hiểu “tâm hồn” của Chúa.
Để đạt được mục tiêu trên, mình phải quay một vòng tròn. Lại phải bắt đầu từ đọc “Lời” Chúa, phải moi móc để hiểu “ý” Chúa, để cuối cùng cảm được cái “tâm” của Chúa. Đi một vòng như thế, mình mới thấy rằng :
1. Nếu cứ lấy một câu Thánh kinh bất luận nào đó mà nguyện gẫm, thì … từ chết đến chết. Phải đặt câu Kinh thánh ấy trên toàn bộ Kinh thánh. Từ đó mới thấy rằng bối cảnh của “Lời” Chúa thật là quan trọng. Chúa bảo : “Đừng khóc !” (Lc 7,13) trong bối cảnh đám tang của con trai bà góa Naim chẳng phải là một lệnh cấm, nhưng chỉ là một lời an ủi. Nếu nghe Chúa bảo “Đừng khóc” rồi thấy Chúa khóc trước ngôi mộ của Lagiarô, thì không bao giờ dám cấm khóc trong đám tang nữa.
2. Tâm lý, xã hội, văn hóa của nền văn minh Sêmít trải qua lịch sử và địa dư Trung Đông suốt 18 thế kỷ từ Abraham đến Đức Giêsu sẽ giúp ta hiểu “Lời” Chúa rất nhiều. Những kiến thức trên giúp ta đọc “Lời” Chúa rồi mau lẹ nhận ra “ý” và “tâm” của Chúa.
3. Các chú giải Thánh kinh cũng rất cần thiết khi ta đọc “Lời” Chúa. Thiếu những chú giải này, ta dễ cảm thấy mình bơ vơ giữa sa mạc tối mịt mù. Đọc “Lời” Chúa mà chẳng thấy “ý” Chúa.
4. Chúa không giảng như một nhà luật học, thần học… đọc tham luận. Ngài nói với người dân bằng ngôn ngữ bình dân. Có khi cường điệu. Có lúc nói ngược. Có lần lại nói mỉa. Nếu không đặt “Lời” Chúa vào một bối cảnh nhất định nào đó, thì có thể thấy “Lời” Chúa là sai, là phi lý…
5. Hiểu “ý” Chúa chưa đủ. Không nên thỏa mãn khi đã tìm được “ý” Chúa. Phải đi xa hơn nữa. Phải thấy Chúa rung cảm tới mức độ nào. Hiểu ý Chúa chỉ là việc của bộ não. Mà trong tôn giáo thì TÂM quan trọng hơn TRÍ.
Như vậy là có một con đường khá dài đi từ “LỜI” qua “Ý” rồi đến “TÂM”. Để đi hết con đường này thì phải đọc các bảng hướng dẫn cắm đây đó trên đường, bảng hướng dẫn nào cũng giống hệt nhau. “Ai muốn theo Thầy thì phải bỏ mình, vác thập giá mà theo”. 
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
Dấn thân (12/09/2014)
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log