1. Khi Comlombo tìm ra Mỹ châu La tinh, thì người da trắng bắt đầu đi lập nghiệp ở đó. Khi Cook tìm ra Nam Cực và Magellan tìm ra Philippines thì người da trắng đến định cư ở Australia.
Australia là một lục địa mênh mông mà dân cư thì chỉ có một số bộ lạc da đen. Da trắng da đen gặp nhau. Từ màu da đến văn hóa chẳng có gì giống nhau. “Da trắng” và “da đen” cùng yêu cha yêu mẹ, nhưng cách yêu thì khác nhau như đen và trắng. Có một bộ lạc “da đen” nọ báo hiếu cha mẹ như sau.
Một ông già 90 tuổi thấy mình gần đất xa trời bèn nói với người con cả : “Chắc bố không còn sống lâu nữa. Sức khỏe thay đổi lạ lùng”. Thế là người con hiểu. Hắn đi tìm các em trai, em gái, em rể, em dâu sống rải rác từ đồi này qua núi nọ. Hắn ra lệnh các em phải đưa hết con cháu về để báo hiếu ông.
Hằng năm con, cháu, chắt, chút tề tựu về nhà tổ người con cả chắp tay xá.
- Xin ông cho con cháu báo hiếu.
- Ừa.
Thế là các con dẫn ông lão xuống suối để tắm. Tắm sạch rồi thì dẫn ông lão về nhà bếp để làm thịt. Thịt nấu chín rồi thì bưng lên nhà sàn, bày ra thành từng mâm. Con, cháu, chắt, chút… ăn thịt ông lão đến sạch đĩa.
Người da trắng thấy thế thì gớm quá, bèn lên lớp.
- Các ông bất nhân và bất hiếu. Cha mẹ đang sống như thế mà dám đem làm thịt mà ăn.
- Không phải đâu. Người da trắng các ông mới là bất nhân bất hiếu. Này nhá, cha mẹ chết rồi các ông nhét vào trong hòm. Cứng ngắc. Rồi đậy nắp. Rồi đóng đinh côm… côm. Nghe mà ớn. Chưa vừa bụng các ông đâu. Các ông đào lỗ bỏ cha mẹ xuống lỗ, lấp đất, đạp, xây đá lên. Rồi cha mẹ các ông thúi hoắc. Rồi thì dòi ăn, chuột ăn, bọ ăn…
Chúng tôi không để cha mẹ chúng tôi thúi. Chuột, bọ, dòi không được đụng đến thịt cha mẹ chúng tôi. Chúng tôi ăn cha mẹ. Thế là cha mẹ thành thịt chúng tôi, sống trong chúng tôi, lưu truyền từ đời con đến đời cháu, chắt, chút, chít…
Ăn thịt cha mẹ thì kỳ cục quá. Nhưng giải thích như thế thì thật là kỳ diệu.
2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều tại Bétxaiđa, thì uy tín của Đức Giêsu lên tới trời mây. Nhưng chừng một tuần sau đó, bài giảng của Chúa về Thánh thể tại nguyện đường Caphácnaum đã xô Chúa xuống tận vực thẳm. Tất cả chỉ vì một câu nói “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống đời đời”.
Câu nói kỳ cục ấy đã gây bất mãn nơi thính giả. Mà thính giả hôm ấy thì chắc là đông lắm. Họ bất mãn tới mức độ bỏ ra về. Thậm chí các môn đệ của Chúa cũng bỏ đi. Không những bỏ đi mà còn ném lại sau lưng một câu nói không còn chút tình thầy trò nào nữa :
“Lời gì mà chói tai như vậy. Ai mà nghe cho nổi. Họ bỏ đi và đi luôn (Ga 6,66) không thèm tiếc những năm, những tháng theo thầy. Cả nguyện đường đông nghẹt người mà bây giờ bỗng trở nên trống phộc. Chỉ còn trơ ra 12 tông đồ ngơ ngơ ngác ngác, chẳng biết nên ở hay đi… Đức Giêsu không chịu lùi bước, cứ tiếp tục “kỳ cục” đến cùng. Người nói như hờn dỗi : “Còn anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”. Mà nếu 12 ông bỏ Chúa mà đi, thì Người cũng bất cần.
Cái hình dung từ “kỳ cục” ấy còn ong ong mãi trong đầu mọi người cho tới buổi tối hôm ấy…
Hôm ấy là ngày cuối cùng thầy trò còn được quây quần bên nhau, để rồi chẳng còn được thấy mặt nhau. Buồn man mác, thương da diết. Cầm lòng không đặng. Thầy cầm ổ bánh mì, sốt sắng cầu nguyện và hóa phép :
“Đây là thân thể của thầy,
anh em hãy cầm lấy mà ăn”.
Thì ra là thế. Cứ tưởng Thầy xả thân thành mảng thịt để xào nấu cho môn đệ ăn. Như thế thì kỳ cục quá chừng. Nhưng Thầy hóa phép để bánh thành Thầy. Ăn bánh ấy là ăn Thầy. Tuyệt vời !
Cơm ăn hằng ngày đã thành xương ta, thịt ta, tóc ta, râu ta… thì nay bánh đã được hóa phép thành thân thể của Chúa mà ta ăn thì Chúa cũng thành xương ta, thịt ta, tóc ta, râu ta… Kỳ diệu vô cùng.
Người lãng mạn một tí sẽ tự hỏi :
- Tay tôi bây giờ là tay Chúa. Có nên dùng tay này để đấm nhau nữa không ?
- Lưỡi này của tôi đã thành của Chúa. Vậy có nên chửi nhau nữa không ?
Kỳ cục là thế. Mà kỳ diệu cũng là thế. Lưỡi người Caphácnaum, hôm ấy các người bất bình với ông Giêsu chỉ vì câu nói “ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì được sống đời đời”. Các người bỏ đi. Các người bỏ đi là phải, vì câu nói ấy kỳ cục quá lẽ. Nhưng bây giờ nếu các người trở lại căn phòng tiệc ly để thấy Ông Giêsu cầm ổ bánh mì cầu nguyện, hóa phép để bánh thành thân thể của ông ấy, thì cái kỳ cục lại trở thành kỳ diệu. Kỳ diệu vô cùng.
Vẫn ăn bánh như ăn bánh. Máu tanh tưởi không đọng trên đầu lưỡi, không dính trong cổ họng. Nhưng bánh không còn là bánh mà là chính thân thể của Chúa. Sáng kiến hay quá ! Tuyệt diệu !
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu