Thứ bảy, 23/11/2024

Suy tư 2: Ảnh tượng Chúa thọ nạn - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 08:38 19/09/2014
Ông Chín Bình tập kết ra Bắc. Lấy vợ ngoại, có được ba đứa con. Sau năm 1975, ông hồi kết dẫn vợ con về Cà Mau. Ông đến thỏ thẻ với mình.
- Lo đánh giặc quên cả đạo. Bây giờ hòa bình lập lại rồi, xin cha rửa tội cho ba đứa con của tôi.
- Nhiêu tuổi rồi ?
- Thằng này tám tuổi. Hai đứa em sáu tuổi, bốn tuổi.
- Tôi rửa tội ngay cho hai đứa em. Còn thằng anh thì phải học giáo lý trước đã.
Hai cô ca viên được mời làm vú đỡ đầu cho bé Loan và bé Phượng. Có mẹ đỡ đầu, hai bé hí hửng, nhảy tưng tưng.
Nghi thức ghi danh được cử hành ở tiền sảnh. Hai bé vui như Tết, ngoan như thiên thần. Khi vô nhà thờ, tiến tới cung thánh để cử hành các nghi thức tiếp theo, thì bé Phượng khóc thét lên. Mình hỏi vú đỡ đầu của nó :
- Tại sao nó khóc dữ vậy ?
- Nó thấy Chúa bị đóng đinh. Nó sợ.
Mình bị hẫng. Ảnh chuộc tội thánh thiện là thế, thân thương là vậy, thế mà lại làm bé Phượng phải khóc thét lên như thế - Nó bị sốc. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào đạo là như thế ư ?...
Mình kể chuyện này cho anh em linh mục trong hạt Cà Mau, cha Quản hạt Lê Hiến bồi thêm một câu chuyện nữa.
“Có một người đàn bà dẫn con đến nhà thờ Quản Long. Đứa bé gái chừng năm, sáu tuổi, nhìn lên phông cung thánh, thấy ảnh Chúa thọ nạn, nó giậm chân bèn bẹt, quay mặt ngoắt ra ngoài.
- Con không đi nhà thờ này nữa đâu - Ảnh Chúa ghê quá à.
- ?... mẹ nó ngẩng tò te, chẳng biết phải đối phó thế nào…”
Sẵn chớn, một cha khác kể một chuyện nữa.
“Nhà thờ B.L có một tượng Chúa thọ nạn to gần bằng người thật. Điêu khắc gia sơ ý để cái khố xệ xuống quá sâu, lộ ra một mảng bụng dưới to như cái thau, khiến một nữ tu từ phương xa tới, phải giật mình, vội cúi gầm mặt xuống…”
Ba câu chuyện được kể lại cùng một lúc, khiến mình nhớ lại chuyện xưa.
v Hồi còn bé đi chăn trâu ngoài đồng, bọn mình phải nổi sùng lên, đòi lấy đá ném nhau, chỉ là trẻ ngoại đạo đọc nghêu ngao : “Đạo thờ ông Giêsu, để … ra ngoài”. Tức đến chết vì đạo được. Nhưng biết đối lại thế nào bây giờ.
v Hồi mình làm Giám đốc trường tiểu học Tây Đô ở Cần Thơ, mình đón ông thanh tra tiểu học đến thanh tra trường. Ông khen bà phước tập cho các em viết chữ rất đẹp, tánh rất ngoan v.v… Ông dòm lên vách tường, rồi cúi xuống nghiêm nghị… Trước khi ra về ông nói nhỏ bên tai mình : “Cha đừng treo ảnh đạo trong lớp. Ảnh buồn quá, không tốt cho các em”. Mình bị chạm tự ái, tự ái tôn giáo. Nhưng rồi cũng suy đi nghĩ lại, và … hơi nhột.
Phải nhột và nên nhột, vì nhột là phải.
1. Chúa thọ nạn đau thương vô cùng, oan khiên quá chừng. Thương Chúa là thánh thiện vô cùng. Mà Chúa phải như thế, chỉ là cái giá đền tội mỗi người và mọi người. Thấy Chúa khổ để sám hối là tuyệt vời. Nhưng hình ảnh thảm thương có thật ấy vẫn là hình bạo lực có nên công khai hóa và bình thường hóa không ?
Trong đời sống hằng ngày, có những hình ảnh chết trôi, chết cháy quá bi thảm, người ta không cho phụ nữ và trẻ em chứng kiến. Có vài tờ báo cho đăng những tấm ảnh ghi lại những bãi thây ma rùng rợn do sóng thần ở Indônêsia đã bị dư luận lên án, dù rằng đó là sự thật.
2. Trên bàn thờ tổ tiên, người ta chọn những tấm ảnh đẹp nhất của ông bà cha mẹ để trưng bày. Những tấm ảnh lam lũ, đau khổ của tổ tiên chỉ có trong album lưu niệm của gia đình. Tuyệt nhiên không ai trưng bày trên bàn thờ. Đó là việc làm hữu lý, hữu tình. Người Việt Nam có bàn thờ ông bà, quen thân với những hình ảnh đẹp của tổ tiên, thì không khỏi cảm thấy lợn cợn trong tâm não khi thấy ảnh Chúa quá đau thương như thế ngự ở chỗ cao quý nhất trong nhà. Trưng ảnh Chúa thọ nạn có phản với tinh thần “hội nhập văn hóa” chăng ?
3. Người Á Đông rất quen thân với ảnh Phật ngồi thiền, đôi mắt hiền từ, đôi môi như mỉm cười. Lần đầu tiên, tiếp xúc với đạo của Chúa, nhìn lên bàn thờ, thấy Chúa quằn quại đau thương, máu me dầm dề…, ấn tượng đầu tiên liệu có gây ảnh hưởng tốt hay không ? Người truyền giáo của Á Châu phải nghĩ thế nào ?
4. Luật bảo rằng : Thánh lễ là một hiến tế, nên khi cử hành thánh lễ, phải có ảnh Chúa thọ nạn. Nhưng mình thiển nghĩ : nếu không có ảnh thọ nạn, thì thánh lễ vẫn là hiến tế. Vả lại giáo lý dạy rằng : Thánh lễ trên Núi sọ thì có đổ máu, còn thánh lễ trên bàn thờ thì không đổ máu. Như vậy thì thánh lễ trên bàn thờ hôm nay có cần có ảnh Chúa thọ nạn nữa không ?
Nhà thờ Cái Rắn của mình chỉ có tượng Chúa Phục Sinh to bằng người thật. Chúa cao một mét tám. Bối cảnh là cây khổ giá. Mình ưng ý quá. Chúa thọ nạn chỉ được trình bày trong lớp giáo lý, khi đọc tới bài Chúa thọ nạn. Mình vẽ cảnh Chúa bị đóng đinh. Vẽ vài nét đủ để người dự tòng biết Chúa bị đóng đinh như thế nào thôi, rồi nhấn mạnh đến cách Chúa chết một cách bao dung tha thứ đối với kẻ thù, tin tưởng phó thác đối với Chúa Cha, gởi gắm Mẹ cho Gioan… Vậy thôi. Mình chẳng dám mô tả cảnh máu me đầm đìa, thở hào hển, cơ bắp co quắp v.v… Đúng thế đấy. Nhưng không dám tả hết. Ghê quá !
Nếu luật bảo mình phải dựng Chúa thọ nạn lên thay Chúa Phục Sinh, thì mình phải vâng lời thôi. Nhưng… tiếc vô cùng, buồn đến nẫu ruột…
Nhưng may quá, luật chỉ nhẹ nhàng dạy rằng : Không cần phải hạ tượng Chúa Phục Sinh, chỉ cần có một ảnh Chúa thọ nạn để gần bàn thờ. Ảnh vừa đủ lớn để từ xa vẫn thấy được. Mừng quá, mình có sẵn một ảnh thọ nạn điêu khắc bằng gỗ, màu hột nhãn, chẳng rùng rợn tí nào. Thế là êm ! Vừa đúng luật, vừa đúng ý, vừa đúng lý, vừa đúng tình.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
Dấn thân (12/09/2014)
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log