Thứ bảy, 23/11/2024

Dấn thân

Cập nhật lúc 11:55 12/09/2014
Để chuẩn bị cho website của Caritas Hưng Hóa sắp ra mắt, được sự gợi ý của Cha Giám đốc, tôi loay hoay đi tìm ý tưởng, tài liệu để viết, loay hoay vì vốn dĩ “ văn dốt vũ dát”.
Sau khi đọc cuốn “ TÂN PHÚC ÂM HÓA TẠI VIỆT NAM…” của Đức Cha Mathêô Nguyễn Văn Khôi, giám mục giáo phận Quy Nhơn,  như đánh động tôi về sự dấn thân phục vụ của người kitô hữu, và xin chia sẻ ở đây như một cảm nghiệm cá nhân.

Dấn thân phục vụ người nghèo

Một cuộc sống khó nghèo theo Tin Mừng là sự chuẩn bị cần thiết cho một cuộc dấn thân phục vụ người nghèo trong xã hội qua các hoạt động từ thiện và liên đới. Tình yêu ưu tiên đối với người nghèo cũng là sự chọn lựa ưu tiên dành cho họ, nhưng sự chọn lựa này không có nghĩa là lý tưởng hóa tình trạng của họ, vì điều đó chỉ giam hãm họ trong sự khốn khổ. Trái lại, ý nghĩa thực sự của sự chọn lựa này hệ tại việc nhìn các sự việc từ vị trí của người nghèo, từ hoàn cảnh của họ, từ những nhu cầu và lời kêu gọi của họ, để thăng tiến đời sống của họ và xây dựng một xã hội công bằng và bác ái hơn. Đó là điều mà chúng ta có thể gọi là ‘ cuộc đối thoại với người nghèo’, một trong những con đường tân Phúc âm hóa tại Á châu. 
Đức Cha Mathêu nhấn mạnh: “Để trở thành chứng nhân đức ái đối với người nghèo, các Kitô hữu phải thực thi đức công bình đối với họ, vì người ta không thể có một tình yêu đích thực nếu không để ý đến những quyền lợi và phẩm giá của những người họ phục vụ. Đức ái phải bắt đầu bằng đức công bình là đòi hỏi tối thiểu để có một đức ái đích thực, tức là người ta không thực thi đức ái mà đồng thời xao nhãng những bổn phận của đức công bình, vốn luôn nghiêm trọng hơn và khẩn thiết hơn những bổn phận của tình yêu. Chính vì vậy, luân lý đòi buộc phải chu toàn các bổn phận của đức công bình trước mọi hành vi bác ái”.

Theo công đồng Vaticanô II, “ Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bình là luật đi liền với bác ái.”
Đức Cha cũng nói đến, nguyên nhân của nghèo khổ không hệ tại sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho bằng sự tham lam của một số người và sự thiếu tình yêu huynh đệ, và chính sự phân hóa giữa người giầu và người nghèo là một bằng chứng của bất công xã hội. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay với sự phân hóa ngày càng lớn giữa một thiểu số người giầu và đa số người nghèo, muốn loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu, Giáo hội phải tỏ ra trước hết là ‘ người bảo vệ’ phẩm giá và những quyền lợi căn bản của người nghèo. Và tỏ ra liên đới với người nghèo bằng cách dấn thân phục vụ họ: đó là một chứng từ hùng hồn nhất trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Thực vậy, như chúng ta đã thấy, do những điều kiện lịch sử, xã hội và văn hóa, sự liên đới là một trong những nét chính của dân tộc Việt Nam, theo tục ngữ “ lá lành đùm lá rách”. Sự tương trợ và chia sẻ áo cơm trở thành rất thường xuyên nơi người Việt Nam. Và các tôn giáo khác như  Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo, cũng góp phần củng cố truyền thống ngàn đời này”.

Tinh thần liên đới cũng có thể tìm thấy nền tảng của nó trong thái độ quý chuộng sự hòa hợp nơi người Việt Nam cũng như nơi các dân tộc Á châu. Quả thế, sự hòa hợp không chỉ là vấn đề sống yên tĩnh, nhưng là một sức mạnh có sức đổi mới và năng động trong các tương quan. Nói cách khác khi nói về sự hòa hợp, đó là đặt các của cải mình có và những tài năng của mình vào việc phục vụ người khác để bổ túc những thiếu thốn của kẻ khác, nhằm đạt đến một sự cân đối hoàn hảo.
 Ý thức tình trạng nghèo khổ của đất nước, và truyền thống tương thân tương trợ nơi người Việt Nam, ngay từ khi mới đến, các thừa sai ngoại quốc đã mang lại cho dân chúng những trợ giúp cụ thể, nhờ đó nhiều người dễ dàng đón nhận Tin Mừng các ngài rao giảng. Ngày nay theo con đường của các thừa sai, Giáo hội tại Việt Nam được mời gọi loan báo Tin Mừng bằng chứng từ đức ái. Chứng từ này hệ tại trrước hết ở một sự hiện diện khiêm tốn và phục vụ theo gương Ngôi Lời nhập thể. Trong bối cảnh xã hội hiện nay của Việt Nam, tất cả những gì biểu dương quyền lực và sức mạnh nên được giảm đến mức tối thiểu. Trái lại, các Kitô hữu được mời gọi đảm nhận những công việc kín đáo hay âm thầm, như trợ giúp những người khuyết tật, những bệnh nhân phong, những người nghèo sống tại những vùng sâu vùng xa. Gần đây trong pháp lệnh về tôn giáo và tín ngưỡng ( 18 tháng 6 năm 2004), nhà nước Việt Nam đã chính thức cổ võ các hoạt đông nhân đạo của các tôn giáo, đây là một thời cơ mới để Giáo Hội đẩy mạnh mô hình chứng từ này. Sự hiện diện thầm lặng với những phương tiện khiêm tốn và nghèo khó dễ được người ta chấp nhận và chính qua đó mà Giáo Hội có thể tiếp cận người nghèo để bày tỏ cho họ gương mặt thực của Đức Kitô là Đấng trở nên nghèo khó để phục vụ người nghèo.

   Khi làm việc để xoa dịu những đau khổ và thảm cảnh của người nghèo và cải thiện điều kiện sống của họ, các Kitô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Cha của họ, Người yêu thương họ và bao bọc họ bằng sự chăm sóc, đến độ Người không những là Thiên Chúa của người nghèo hay Thiên Chúa cho người nghèo, mà trong Đức Kitô Người còn trở nên một trong số những người nghèo. Chứng từ này cũng là một cách tiếp nối sứ vụ của Đức Ktô là Đấng loan báo Tin Mừng cứu độ không những bằng lời nói, mà còn bằng những hành vi cụ thể của tình yêu đối với người nghèo, người bệnh, người bị áp bức, tất cả là những nạn nhân của bất công.

   Để có thể đưa ra một chứng từ như thế, Giáo Hội phải trở thành một Giáo hội phục vụ, tìm cách tự đồng hóa mình với người nghèo và những người đau khổ, như Đức Kitô, Người Tôi Tớ đau khổ, qua những hành vi yêu thương và phục vụ. Nhờ chứng từ này, Giáo Hội làm cho người ta thấy được và đụng chạm được gương mặt của Đức Kitô,vị Mục tử nhân lành và người Samari nhân hậu, một gương mặt vừa rất gần gũi vừa trổi vượt hơn gương mặt của bất kỳ vị Bồ tát nào cũng như bất kỳ nhà giải phóng nhân loại nào, vì vốn là Con Một của Thiên Chúa, Người đã tự hủy mình đến độ chấp nhận chia sẻ thân phận con người và cuộc sống của những người nghèo nhất.

     Noi gương Đức Kitô, học tập theo các đàn anh, đàn chị trong hiệp hội Caritas quốc tế cũng như quốc gia, Caritas giáo phận Hưng Hóa trong mấy năm qua đã ra sức tổ chức, vận động hội viên tham gia. Đồng thời cha Giám đốc Caritas và văn phòng Caritas giáo phận đã không ngừng nghỉ tìm kiếm ân nhân, song song với việc tìm kiếm và tiếp cận những người nghèo khổ, tật nguyền để yên ủi giúp đỡ họ, mang đến cho họ một mái ấm nho nhỏ che nắng che mưa, một tấm chăn đơn che cơn gió bấc buốt lạnh đêm thâu. Vừa qua đây, Caritas giáo phận đã góp sức tìm lại ánh sáng cho những đôi mắt đục thủy tinh thể của biết bao người không may và không có điều kiện chữa trị ở những vùng cao, đã làm sống lại cho những con tim non trẻ mắc bệnh bẩm sinh được làm người trọn vẹn với một trái tim yêu thương khỏe mạnh và biết bao trẻ được đến trường với phương châm “diệt Dốt để Dốt diệt Nghèo”, như Linh mục Ngô Phúc Hậu thường nói. v.v…

  Vâng, cố gắng bao nhiêu cũng không đủ, còn quá nhiều người nghèo và bệnh tật, có ai đó đã nói: trái đất này là một nhà thương khổng lồ. Caritás Hưng Hóa nguyện đem hết sức mình cầu nguyện và đóng góp yêu thương hầu giúp được một phần nho nhỏ niềm yên ủi, động viên cho những số phận không may trên bước đường  “lầm than” (miseria) nơi dương thế này./.
Phêrô Nguyễn Mai
Caritas Sơn Tây
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log