- Anh Tám à, thiệt tình là tôi không muốn bỉ đạo của anh đâu. Nhưng tôi không hiểu thì hỏi cho biết. Người ta nói rằng ông Giêsu hồi 19 tuổi, mẹ đưa đi hỏi vợ, ổng không chịu. Năm nào mẹ cũng năn nỉ ổng lấy vợ, ổng cứ lắc đầu quầy quậy. Năm 30 tuổi mẹ ổng lại khóc lóc năn nỉ một lần nữa. Ổng vẫn lắc đầu. Năm 33 tuổi, ổng lấy mẹ luôn. Thế là lối xóm nổi giận, chửi bới, lột đồ ổng, rồi đóng đinh ổng. Người ta nói vậy đó, mà có thiệt không?
- Người ta xuyên tạc đấy. Nếu Đức Giêsu mà xấu xa như vậy, thì ai mà thờ. Tôi cũng không thèm thờ. Thế nhưng hiện nay trên thế giới có 2 tỉ người tôn thờ Người. Trong số đó có vô số các nhà khoa học lớn như ông Pasteur, cha đẻ của vi trùng học, ông Marconi, người đầu tiên thành công trong việc thí nghiệm vô tuyến điện, ông Newton nhà toán học và thiên văn học vĩ đại...
- Thế thì tại sao ổng bị đóng đinh?
- Đức Giêsu là một nhà lập đạo. Giáo lý của Người đối chọi với nếp sống giả dối của giới lãnh đạo thời đó. Uy tín của Người lớn quá, thu hút hết lòng dân, khiến giới lãnh đạo phải chụp mũ phản động, để kết án tử hình cho Người. Họ phải giết Người, để củng cố địa vị. Nhưng họ chỉ giết được cái xác của Người thôi. Còn giáo lý của Người thì vĩnh cửu.
- Thế thì tôi hiểu rồi. Người hy sinh vì đạo giáo, cũng như các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc chứ gì. Nhưng tại sao các anh lại bêu cái thây Người lên như thế? Ghê quá à! Kỳ quá à! Mình thờ cha thờ mẹ thì cũng phải kiếm tấm ảnh nào đẹp đẹp mà trưng trên bàn thờ, chớ ai lại lựa tấm ảnh cha mẹ máu me đầy người để thờ...
Người đàn bà ấy nổi giận. Ánh mắt nảy lửa, giọng nói chát chúa và cử chỉ như chém như chặt. Dường như bà nổi giận, để bênh vực một nhà truyền đạo hai lần bị đóng đinh một cách oan khiên và tàn nhẫn. Thấy nét mặt của bà còn đanh quá, mình làm thinh, quay mặt đi chỗ khác, nhìn bâng quơ và xấu hổ.
Hình ảnh người đàn bà nổi giận ấy cứ ám ảnh mình mãi. Rõ là vô duyên: Người ngoại mà xía vô chuyện đạo của người ta; vừa hiểu biết một tí về Chúa mà đã lên mặt bênh Chúa, y như Chúa là Cha của mình... Nhận vơ!
Nhưng... rõ ràng là rất hữu lý. Người đàn bà ấy đã yêu Chúa thật. Nếu không yêu thì tại sao lại bênh, mà còn bênh một cách sôi nổi nữa. Một điều rất chắc chắn là người đàn bà ấy đã bênh Chúa một cách chân thành. Cái ánh mắt ấy, cái giọng nói ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật, không giả tạo, không cầu danh cầu lợi. Quả thật mình có yêu Chúa và người đàn bà ấy cũng yêu Chúa. Còn cách yêu của hai người, thì chưa biết ai đúng ai sai.
Tối hôm ấy, muỗi nhiều như trấu. Mình chun vô mùng thật sớm, gác chân chữ ngũ, ngẫm nghĩ về ảnh Chúa thọ nạn và người đàn bà nổi giận. Bây giờ mình mới sực nhớ ra: còn có nhiều người nổi giận, buồn phiền cho cái thân phận đau thương của Chúa.
1. Chuyện kể của một cha sở miền cuối Việt. Hôm ấy một bà mẹ dẫn đứa con gái chừng năm sáu tuổi vô nhà thờ Q.L. Đứa bé nhìn lên ảnh chuộc tội, dậm chân bẹt một cái: “Mẹ ơi! Con không đi lễ nhà thờ này đâu. Ảnh Chúa bị đóng đinh thấy ghê quá à”. Bà mẹ lúng túng, chẳng biết trả lời thế nào, nắm tay kéo tuột đứa bé vô nhà thờ. Đứa bé vùng vằng. Kệ nó. Biết sao bây giờ.
2. Chuyện kể của một cha sở miền cây trái. Có một chàng thanh niên không Công giáo, nhưng lại thương một thiếu nữ Công giáo. Thương quá đành xin học đạo để nhập đạo. Sau một buổi giáo lý cha sở dẫn hai cô cậu ra nhà thờ để viếng Chúa. Nhà thờ X.H. không xấu, không đẹp, không lớn không nhỏ, nhưng tuổi thọ cũng ngoài bảy chục, nên ảnh tượng vừa cũ kỹ vừa đông đảo. Cha sở giới thiệu nhà tạm, nơi Chúa ngự thường xuyên. Cha sở giới thiệu Chúa thọ nạn, anh chàng dự tòng quay mặt đi chỗ khác, rồi kéo người yêu ra khỏi nhà thờ. Hắn nhìn mặt người yêu, nói một cách giận dữ: “Đạo thờ người bị đóng đinh trần truồng. Kỳ quá à”.
Từ đó hắn thôi học giáo lý. Cuộc hôn nhân ấy đành chết tức tưởi ngay từ lúc còn trong dạ mẹ.
3. Chuyện kể của tờ báo FOCUS. Có một dì phước nhờ một thợ điêu khắc, khắc cho một tượng Chúa thọ nạn. Thợ điêu khắc ấy là người ngoài Kitô giáo. Anh ta lắc đầu lia lịa: “Xin ma sơ thông cảm tha cho tôi công việc này. Tôi không đủ can đảm để khắc một ảnh tượng bi thảm quá như thế”. Anh ta quen điêu khắc ảnh tượng Đức Phật ngồi thiền: nét mặt thanh thản, đôi môi như mỉm cười. Ảnh Chúa thọ nạn làm anh bị sốc. Bi thảm quá làm anh rùng mình.
4. Chuyện kể của một bà phước. Bà phước từ phương xa tới thăm cộng đoàn B.L. theo thói quen đạo đức, bà ghé nhà thờ để viếng Thánh Thể, trước khi vô cộng đoàn để thăm chị em. Bà ngước mắt nhìn lên, rồi vội vàng gục mặt xuống. Tượng Chúa thọ nạn to gần bằng người thật. Người nghệ nhân nặn tượng quá sơ sót về luật cân đối sinh học, khiến người ta thương xót Chúa thì ít mà mắc cỡ giùm Chúa thì nhiều.
5. Chuyện kể của mình. Hồi xưa, lúc mình còn là thằng cu tí, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Bọn trẻ con chúng mình hay cãi nhau với bọn trẻ bên lương. Bọn trẻ bên lương mà thua, thì “ê lêu” Chúa thọ nạn, để bịt miệng bọn mình. Chúng nó cứ gào lên, vừa đi vừa gào: “Ông Giêsu để... ra ngoài. Ê lêu. Ê lêu”. Mình tức đầy quần, mà chẳng biết làm gì. Chỉ biết khóc.
6. Chuyện kể của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Cờ của Hội Chữ Thập Đỏ là một chữ thập màu đỏ, đậm nét và vuông vức nằm giữa nền trắng. Cứ thấy lá cờ đỏ là nghĩ ngay đến công tác cứu trợ, cứu thương đầy lòng nhân ái. Ở đâu có bom đạn nổ đì đùng, có khói đen bao phủ mịt mù..., mà có phất phới một lá cờ chữ thập đỏ, thì người ta hy vọng ở đó vẫn còn sự sống.
Thế nhưng, tại các nước Hồi giáo, lá cờ dễ thương ấy bị tẩy chay quyết liệt. Xe cứu thương treo cờ chữ thập đỏ vẫn bị ăn đạn như chiến xa của địch. Tại sao? Chỉ vì hơn một tỉ anh em Hồi giáo gai mắt đến chịu không nổi, nếu tình cờ nhác thấy một cây Thập giá. Biết sao được, vì vào thời Trung cổ, từ năm 1097 đến năm 1270 một đạo quân gọi là Nghĩa Binh Thánh Giá, tràn vào xứ Palestin để chiếm lại Đất thánh đã mất vào tay Hồi giáo. Mỗi nghĩa binh mang trên mình bốn hình Thánh giá: một trên ngực, một trên lưng, một trên mũ và một trên lá thuẫn. Và mọi đơn vị đều được dẫn đầu bởi một lá cờ Thánh giá. Thánh giá trùng trùng điệp điệp. Người giết người tầng tầng lớp lớp. Một chuỗi lịch sử dài đầy dấu ấn mà anh em Hồi giáo không thể nào quên được.
Cho đến hôm nay. Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, nếu muốn hoạt động hữu hiệu tại các nước Hồi giáo, thì phải thay thế chữ thập đỏ bằng hình lưỡi liềm đỏ. Hoặc ít nhất cũng phải thêm hình lưỡi liềm đỏ nằm sát bên chữ thập đỏ. Dứt khoát phải là thế, không thể là khác!
Bấy nhiêu kỷ niệm lần lượt xuất hiện trên màn ảnh ký ức của mình. Buồn quá! Tủi quá! Mình chẳng dám hỏi ai, mà chỉ tự mình hỏi mình. Mình chẳng dám nói với ai. Cô đơn quá chừng.
- Nếu mình loan báo Tin Mừng, mà không có ảnh Thánh giá, thì có gì sai không? Ảnh Chúa thọ nạn chỉ xuất hiện vào thời Trung cổ, chứ không có trong Giáo Hội sơ khai.
- Có và không có ảnh Chúa thọ nạn, thì Đức Giêsu được gì và mất gì?
- Các vị thừa sai đặt vào miệng Chúa cách xưng hô “Tao - mày” làm cớ để tác giả Da Tô Bí Lục gọi Đức Giêsu là một tên xấc láo. Tội xúc phạm này quy trách cho tác giả Da Tô Bí Lục, hay cho các nhà truyền giáo?
- Nếu anh em Hồi giáo muốn ta cất cây Thánh giá đi để hai bên ngồi lại với nhau trong căn phòng trống trơn mà đối thoại, thì ta sẽ có thái độ nào? Và nếu có anh em Hồi giáo nào đó muốn đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu với điều kiện họ không trưng bày ảnh Chúa thọ nạn, thì ta sẽ trả lời cho họ thế nào?
- Mình nói, mình nghe. Cô đơn. Lặng lẽ. Mình tự cảm thấy mình giống như người yêu sầu riêng giữa một rừng người ghét sầu riêng. Đành ôm trái sầu riêng trốn vào phòng, đóng cửa lại, mút mát một mình. Chẳng làm phiền ai. Chẳng ai có quyền chê mình. Bảo sầu riêng thúi, mình chẳng thèm cãi. Bảo sầu riêng thơm, mình chỉ mừng thầm trong bụng. Thế thôi và chỉ có thế thôi.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu