Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm mầu nhiệm năm sự thương - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu.

Cập nhật lúc 16:30 26/03/2015
Mầu nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Tối Thứ Năm hôm ấy, sau bữa Vượt Qua, Chúa và mười một Tông đồ đến vườn Cây Dầu nghỉ đêm.



Mười Một Tông đồ ngủ lăn lóc. Ngủ như chết. Chỉ có người thứ mười hai không ngủ, đó là Giuđa đang bận cấu kết với địch để bắt Thầy.



Chúa thì thức một mình, cầu nguyện một mình, buồn một mình. Không ai chia sẻ, kể cả Gioan môn đệ thân tín nhất.

Đức Giêsu phủ phục trên mặt đất, mồ hôi đằm đìa. Cô đơn quá chừng! Ba lần Người đến gặp các Tông đồ, đánh thức các ông, năn nỉ các ông thức và cầu nguyện với Người. Vô ích. Nước đổ đầu vịt. Các ông ấy vẫn cứ ngủ khò. Vô tâm, vô tình.

Môn đệ thân tín thì như thế đó: vô tâm, vô tình. Còn Giuđa thì trời ơi đất hỡi: một tên phản bội. Hắn chỉ thích tiền. Tình nghĩa, tình thầy trò chỉ là công cụ để kiếm tiền. Thương hắn bao nhiêu, thì đau khổ bấy nhiêu.

Có một giây phút nào đó, Chúa cảm thấy cô đơn quá chịu không nổi, nên đã thốt ra một câu nghe như mệt mõi lắm rồi, đuối sức lắm rồi: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho Con khỏi uống chén đắng này”.

Nhưng vừa nói xong câu ấy, Chúa cảm thấy hối hận ngay và xin Chúa Cha hãy từ chối nguyện vọng ấy: “Xin đừng theo ý Con mà chỉ theo ý Cha thôi”.
Khổ lắm, khổ quá, nhưng xin chấp nhận, để Ý của Chúa Cha được thể hiện, không xin nữa. Nếu xin thì chỉ là “đừng theo ý con”, chỉ là “theo ý Cha mà thôi”.

Mẹ yêu dấu,
Con của Mẹ đang phủ phục trong vườn Cây Dầu, mồ hôi đằm đìa, chỉ vì buồn quá. Buồn quá vì người thân thì vô tâm vô tình, thậm chí có kẻ phản trắc coi tình thầy-trò như nước lã. Buồn vì cả một cơ chế tôn giáo đang đi sai mà quyết tâm không sửa lại. Buồn vì một đêm đày đọa sắp tới. Buồn vì đã linh cảm được cây khổ giá trên Núi Sọ của trưa hôm sau...

Thưa Mẹ, lúc ấy Mẹ đang ở đâu? Mẹ đang làm gì? Mẹ có linh cảm được những nỗi khổ đau ấy của người Con yêu dấu ấy không?

Con không tìm được một tài liệu nào trong bốn cuốn Tin Mừng. Cũng không có một thông tin nào từ các Giáo phụ và khẩu truyện. Đáng tiếc vô cùng. Nhưng vì yêu mến Mẹ và Con của Mẹ, con vẫn cố gắng mò mẫm để vừa thấy Con của Mẹ đằm đìa mồ hôi, vừa thấy Mẹ cũng đang đằm đìa nước mắt.

Có lẽ Mẹ không ở nhà chị Matta tại Bêtania. Nhà ấy đang bối rối, vì Công nghị đã quyết tâm thanh toán Ladarô. Có lẽ Mẹ tạm trú tại nhà bà Maria, mẹ của Máccô. Từ đó Mẹ thấy Con của Mẹ cùng mười một Tông đồ đi về hướng núi Cây Dầu. Từ ngôi nhà này Mẹ cũng nghe được phong phanh Giuđa đang làm gì để bắt Con của Mẹ. Cũng ở trong ngôi nhà quý phái này Mẹ được nghe mọi tin tức rò rì từ Công nghị. Mẹ nghe được nhiều lắm. Toàn chuyện buồn. Toàn chuyện đau. Có lẽ Mẹ im lặng ngồi một mình ở một góc phòng nào đó để trực cảm được nỗi cô đơn và đau thương của người Con yêu dấu. Chỉ biết thế, nhưng chẳng làm gì được. Lại “xin vâng”, lại xin phó thác. Vậy thôi.

Mầu nhiệm thứ hai: Chúa Giêsu chịu đánh đòn.

Đêm Thứ Năm và sáng Thứ Sáu, Chúa bị hai trận đòn. Trận đòn ở dinh Caipha thì chỉ nhục chứ không đến nỗi đau. Trận đòn ở dinh Philatô mới thật là khủng khiếp. Khủng khiếp vì một bài toán sai lầm của Tổng trấn Philatô.

Philatô thấy Chúa không có tội đáng chết. Ông hiểu là lãnh đạo Do Thái ghét Chúa và muốn giết Chúa chỉ vì uy tín của Chúa quá lớn có thể gây nguy cơ cho cơ chế của họ. Philatô tìm cách để cứu mạng Chúa. Ban đầu ông đưa tên đạo tặc Baraba ra thành một cặp với Chúa để cho họ chọn một người ân xá nhân dịp lễ Vượt Qua. Ông tưởng rằng người Do Thái không dám xin ân xá cho Baraba, mà đành phải dành ơn ấy cho Chúa. Philatô lầm, vì họ xin tha Baraba và đòi đóng đinh Chúa.

Thấy mình bị hớ, Philatô tung ra ván bài thứ hai. Ông nghĩ rằng nếu đánh Chúa một trận đòn thiếu sống thừa chết thì chắc người Do Thái thỏa mãn và bằng lòng cho Chúa sống. Vì thế trận đòn này thật là khủng khiếp. Càng đau đớn chừng nào, càng hy vọng sống chừng nấy.

Chúa bị đánh tới mức độ không còn hình dạng một con người nữa. Phải nói rằng thân xác của Chúa chỉ còn là một đống thịt tắm máu. Chính Philatô đã đưa cái bị thịt tắm máu ấy ra trước mặt người Do Thái rồi nói một cách mĩa mai rằng: “Đây là người”. Nghĩa là không còn là người nữa.

Philatô lại lầm một lần nữa. Trận đòn ân nghĩa của ông trở thành ai oán cho người mà ông muốn. Người Do Thái vẫn cứ đòi đóng đinh Chúa. Thế là Philatô trao nộp Chúa cho họ đem đi đóng đinh.

Mẹ yêu dấu,
Khi Con của Mẹ đang bị trận đòn tan nát này, thì Mẹ ở đâu? Con nghi ngờ Mẹ có mặt ở trước cổng dinh Philatô. Nếu Mẹ có mặt và đứng dưới chân Thập giá khi con Mẹ bị hành hình, thì không ai cấm cản Mẹ có mặt ở trước dinh Philatô khi con Mẹ bị đánh đòn.

Mẹ trà trộn vào đám quần chúng. Có vài người thân thương đứng gần. Xung quanh toàn là bọn đầu trâu mặt ngựa. Chúa bị đòn, họ sung sướng hả dạ. Còn Mẹ thì gục mặt vào hai bàn tay. Đau xót quá chừng.

Khi Philatô dẫn Chúa ra, máu me đầm đìa. Mẹ liếc nhìn một cái rồi lại gục mặt xuống, khóc nấc lên. Làm Mẹ Đấng Cứu Thế khổ quá. Khổ hơn mọi người mẹ trần gian. Có một lưỡi gươm sắc cứ đâm mãi vào tim.

Nhưng có một điều rất lạ. Mẹ bị khổ suốt đời mà không tuyệt vọng, không hận đời, không hận Giavê. Càng khổ Mẹ càng can đảm. Dường như Mẹ hiểu rằng Mẹ phải khổ với Con để sự nghiệp cứu độ của Con được hoàn thành.

Con có cảm tưởng rằng Đấng Cứu Thế không phải chỉ có Con của Mẹ, đơn phương cứu đời, đơn phương cứu con, mà Người cứu đời, cứu con, cùng với Mẹ. Và con muốn gọi Mẹ là Đấng Cứu Thế  của con nữa. Thưa Mẹ, con nghĩ như thế có đúng không? Cám ơn Mẹ vô vàn. Mẹ Cứu Thế của con.
 
Mầu nhiệm thứ ba: Chúa Giêsu chịu đội mão gai.

Vua là người nắm mọi quyền hành trên một quốc gia: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ông đội vương miện và ngồi trên ngai để cai trị dân.Người Do Thái trói và dẫn Chúa Giêsu tới dinh Tổng trấn Philatô. Họ tố cáo Chúa về ba tội: gây rối loạn trong dân, xúi dân chống thuế nhà nước và tự xưng là vua, nghĩa là âm mưu lật đổ chính quyền La Mã.Philatô không tin. Ông hỏi Chúa:- Ông là vua thật hả?

- Phải, Tôi là vua. Nhưng nước của Tôi không thuộc về trần gian này. Nếu nước của Tôi thuộc về trần gian này, thì lính của Tôi đã chiến đấu không để người Do Thái nạp Tôi cho ngài... Tôi đến trong trần gian này là để làm chứng cho chân lý. Ai yêu chân lý thì nghe theo Tôi.

- Thấy Đức Giêsu xưng mình là vua, một ông vua chỉ có chân lý mà không có quân đội, Philatô buồn cười quá. Ông nói một câu mỉa mai “Chân lý là cái quái gì?”.

Ông thì chỉ mỉa mai có thế thôi. Nhưng bọn lính thủ hạ của ông thì bày ra nhiều chuyện để chế giễu một cách hạ cấp. Chúng bắt Chúa diễn tuồng. Họ bắt Chúa mặc cẩm bào, nhưng cẩm bào chỉ là mảnh vải đỏ cũ rách. Chúng bắt Chúa đội triều thiên, nhưng triều thiên chỉ là vòng gai. Chúng bắt Chúa cầm phủ việt, nhưng phủ việt chỉ là một cây sậy. Họ bắt Chúa ngồi trên ngai, nhưng ngai vàng chỉ là bậc thềm.

Chúng đóng vai thần dân khấu đầu phủ phục trước bệ rồng, nhưng là đùa giỡn. Đùa giỡn y như bầy con nít. Giả làm thần dân xong, thì phá đám. Chúng lấy cây đập lên đầu Chúa, đập lên vòng gai cho gai cào đầu Chúa chơi. Chúa đau chừng nào, thì chúng sướng chừng nấy. Chúng là phường bất nhân xây dựng niềm vui của mình trên nỗi đau của người khác. Tàn nhẫn như vậy đó. Chúa là nạn nhân của niềm vui tàn ác ấy. Chúa phải nhận tất cả sự tàn bạo của bấy nhiêu tên bất nhân, của bấy nhiêu con thú dữ có trí khôn.

Thượng cấp thì bất công. Hạ cấp thì bất nhân. Còn Chúa thì là nạn nhân của cả hai cấp ấy. Đau quá! Nhục quá! Trí khôn loài người không thể hiểu được.

Một ông vua thật, vua trên các vua mà bị coi như vua giả, bị đùa giỡn dày vò như một vua hề. Thế mà vẫn làm thinh, không giận, không ghét. Trong cái im lặng và bình thản ấy có một cái gì cao quý lắm, lạ lùng lắm. Lịch sử loài người phải im lặng hằng ngàn năm để ngẫm nghĩ, để khám phá.

Mẹ yêu dấu,
Từ đàng xa, ở ngoài dinh Tổng trấn, Mẹ vẫn thấp thoáng thấy Con của Mẹ nhẫn nhục, lặng lẽ. Mẹ ghi khắc hình ảnh ấy vào ký ức để suy nghĩ, để đồng cảm. Và sự can đảm nhẫn nhục chịu đựng của Mẹ cũng có một cái gì đó cao cả lắm, lạ lùng lắm...

Mầu nhiệm thứ bốn: Chúa Giêsu vác cây Thánh giá.

Loài người hóa thân làm quỷ dữ đã đày đọa, đã đánh đập, đã lăng nhục một Thiên-Chúa-làm-người suốt một buổi sáng. Người đánh đập thì đã mệt. Người bị đánh đập thì đã đi tới biên giới giữa sự sống và sự chết. Tất cả đều ngưng đọng để chuyển sang một hoạt cảnh mới. Chúa bị dẫn độ đến pháp trường.

Bọn lý hình đặt lên vai Chúa một cây khổ giá. Khi còn là một anh thợ mộc thì một cây gỗ như thế không đủ trọng lượng để cho Chúa vác. Nhưng bây giờ thì quá tải. Trận đòn đẫm máu đã làm mọi cơ bắp nhão ra rồi. Cây gỗ đè xuống. Cột sống bất lực. Đầu gối bất lực. Đành phải khuỵu xuống. Lính phải lôi cả Chúa lẫn cây gỗ. Người ta chẳng biết là Chúa đang bò lết hay đang tập tễnh bước đi.

Bỗng có ông Simêon đi ngược chiều. Thế là bọn lính chộp lấy, bắt ông vác giùm cây gỗ. Chúa cảm thấy nhẹ ở vai, nhẹ ở cột sống và nhẹ ở hai đầu gối. Bây giờ được thở một hơi dễ chịu. Có một cảm giác sung sướng, nhưng giả tạo. Chỉ một phút sau, cảm giác đau đớn lại chạy rần rần trên trán cơ thể. Cơ bắp lại nhão ra. Lại bước đi tập tễnh. Phải vịn vào vai Simêon mà lết đi.

Mẹ yêu dấu.
Mẹ cùng đồng hành với Con của Mẹ trên đường lên Núi Sọ. Chúa lảo đảo, Mẹ đỡ. Chúa tập tễnh lết, Mẹ dìu. Tay của Chúa, áo của Chúa, chỗ nào cũng có máu. Máu quyện với mồ hôi và bụi. Nhớp nhúa quá chừng! Nhưng Mẹ không thấy dơ mà chỉ cảm thấy đau xót.

Ngoài Mẹ ra, còn có vô số các bà phụ nữ. Họ đã từng đi truyền giáo với Con của Mẹ. Họ đã từng đóng góp thật nhiều cho quỹ truyền giáo. Họ theo Mẹ. Họ theo Con của Mẹ. Họ cũng đau thắt ruột khi thấy Con của Mẹ, Thầy của họ thiểu não quá. Họ cũng cảm thương Mẹ, vì họ biết Mẹ chỉ có một người Con duy nhất này. Họ cũng biết Mẹ chẳng tìm được niềm an ủi nơi dòng tộc ở Nadarét. Họ yêu mẹ. Họ tội nghiệp Mẹ. Dường như một chút thương cảm đó cũng an ủi Mẹ được một chút.

Bỗng dưng Chúa đứng lại. Nghĩ một chút. Lấy hơi một tí. Chúa nhìn các bà phụ nữ đang than đang khóc cho số phận cay đắng của Chúa. Dường như Chúa quên đau. Dường như Chúa quên cả chính bản thân mình, quên cả hiện tại để nghĩ về tương lai, một tương lai tối tăm mù mịt của một Giêrusalem, của một dân tộc không sám hối. Lạ thật. Đau như thế, khổ như thế, mà không thèm nghĩ đến mình. Thế mới hay Chúa chỉ nghĩ đến việc sám hối của mỗi người, của mỗi tập thể.

Mẹ yêu dấu. Mẹ nghĩ gì và cảm thấy gì khi Con của Mẹ nhắn nhủ các bà phụ nữ: “Đừng than khóc cho Thầy (có nghĩa là chuyện nhỏ). Tốt hơn hãy than khóc cho mình và cho thế hệ mai sau. Sẽ khổ. Khổ lắm…”.

Có lẽ Mẹ chẳng hiểu gì đâu. Lại cứ ghi khắc trong lòng để suy đi nghĩ lại. Và lại quên ngay để cùng thất thểu bước theo chân Con lên Núi Sọ.

Mầu nhiệm thứ năm: Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá.
 

Núi Sọ đây rồi. Pháp trường đây rồi. Trời nắng như đổ lửa. Vài con chim ó vừa bay lượn, vừa dòm ngó. Dường như nó đoán được sẽ có máu đổ. Sẽ có thịt rơi.

Những người lính La Mã mặt lầm lì tỏ vẻ khó chịu, chân tay thao tác như thuộc lòng: xô cây khổ giá xuống; xô Chúa nằm ngửa lên trên; cột chân tay Chúa vào cây khổ giá; cắm đinh vào cổ tay và nện búa nhịp nhàng.

Cơ bắp của Chúa run lên bần bật. Máu bắn tung tóe. Mũi đinh thì cứ vô tình. Người lính thì cứ vô tâm, không thấy đau nên không biết xót...

Cây khổ giá được dựng lên. Chúa lắc đầu, nghiến răng. Đau quá! Tám mươi kilô xương thịt chảy xuống làm cho bốn vết đinh ở hai cổ tay và hai bàn chân càng ngày càng nhức nhối thêm, đến chịu không nổi. Lồng ngực bị ép lại tối đa, khiến Chúa phải nghẹt thở, phải quằn quại, phải giãy giụa, phải co quắp đau đớn lắm mới hít được vài mươi phân khối không khí. Hào hển. Hào hển. Chết sướng hơn sống.

Liếc mắt xuống: chỉ thấy đầu trâu mặt ngựa. Ông Thượng tế, ông Kinh sư, ông Pharisêu...  Ông nào cũng đằng đằng sát khí, vung tay thách đố: “Nếu mi là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi cây thập giá đi, chúng ta sẽ tin mi ngay”. Chúa không buồn, không giận, chỉ biết thương xót. Thương quá quên cả đau. Chúa ngước mắt lên trời, hít một hơi thật đầy, năn nỉ với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ...”.

Từ từ cúi xuống, Chúa thấy Mẹ và Gioan đang đứng gần kề. Chúa lại quên đau, lại cố gắng hít một hơi đầy nữa để an ủi Mẹ. Thấy Mẹ thì thương quá, tội nghiệp quá. Dường như Chúa hối tiếc vì suốt cuộc đời của Mẹ chỉ là khổ vì con. Khổ như lúc nào cũng có một lưỡi gươm chọc sâu vào con tim. Chúa gởi gắm Mẹ cho Gioan. Chúa dặn Gioan phải thương và chăm sóc Mẹ.
Hai lần quên đau. Một lần quên để xin tha cho kẻ thù. Một lần quên đau để an ủi Mẹ. Bây giờ lại thấy đau, đau gấp đôi, đau quá. Đau đến nỗi Chúa phải thốt lên như thất vọng “Lạy Cha, tại sao Cha bỏ con vậy?”. Nhưng... Không phải vậy. Dường như Chúa hối hận, ngước mắt lên trời. Cũng dường như  Người thấy Chúa Cha, nên đã thốt lên lời cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phú thác hồn con trong tay Cha”. Nói vừa xong, thì cái đầu gục xuống. Thế là hết. Thế là xong. Kết thúc một cuộc đời chỉ biết “sống cho”. Hoàn tất một công trình được thiết kế từ  muôn thuở. Lịch sử cứu độ được kết thúc và hoàn tất như thế đó.

Mẹ yêu dấu. Mẹ vẫn đứng ở đó. Thấy hết, hiểu hết và đau lắm. Đau như Con của Mẹ. Đau với con của Mẹ. Đau để cộng tác với công trình cứu độ của Con Mẹ. Mẹ xứng đáng là “Đấng Đồng Công Cứu Thế”
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log