Những người thu thuế hà lạm đến với ông. Ông khuyên họ đừng bóc lột, hãy thu thuế theo đúng luật. Họ cúi đầu ngẫm nghĩ. Dường như quá khứ của họ nhơ nhớp lắm: tham ô, móc ngoặc, coi tiền quý hơn tình người.
Bọn lính lê dương cũng rủ nhau đến nghe ông giảng. Ông khuyên họ đừng bắt nạt dân. Đừng ăn hiếp người cô thân cô thế. Họ cúi đầu tỏ vẻ hối tiếc. Dường như họ có hãm hiếp, có trộm cắp, có ăn gian nói dối. Dường như họ có cờ bạc, rượu chè và đĩ điếm nữa.
Các cô điếm, các mụ tú bà cũng dập dìu đến. Vẫn điệu đà - vẫn hở hang - vẫn liếc mắt đưa tình... Khi họ nhìn thấy cặp mắt của Gioan Tẩy Giả, họ bị nhột. Dường như trong ánh mắt của nhà khổ tu Gioan có chút gì là nghiêm khắc, là khiển trách. Nhưng dường như trong ánh mắt ấy lại có một cái gì như xót xa, như tội nghiệp. Và dường như có một lời khuyên nhủ ngọt ngào nào đó. Họ bắt đầu khép nép. Cặp mắt nhìn xuống ra vẻ lắng nghe.
Bỗng vang lên một lời hịch sang sảng nhưng truyền cảm: “Ai bằng lòng sám hối, đổi mới cuộc đời để đón nhận Đấng Mêsia thì... xin mời xuống sông để tôi xối nước cho”. Thế là một rừng người nô nức lội xuống sông, ánh mắt rực lên lòng phấn khởi đổi mới.
Và Đức Giêsu xuất hiện bất ngờ khiến Gioan giật mình. Ngài mỉm cười với Gioan:
- Anh cũng xối nước sám hối cho em với nhá.
- Không dám đâu! Chú phải xối nước cho tôi mới đúng chứ.
- Không sao! Việc nào tốt thì mình cứ làm.
Rừng người dừng bước, trố mắt nhìn. Gioan dìu Chúa xuống sông, hai tay bụm lại múc nước xối lên đầu Chúa.
Có một con chim bồ câu lạ từ đâu tới bay nhiều vòng trên cao, lấy Chúa làm điểm đồng quy. Bỗng lại có tiếng vang vang, chẳng biết từ đâu vọng tới: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha rất hài lòng về Con”.
Hằng trăm con mắt đổ dồn về phía Đức Giêsu, rồi nhìn về phía Gioan như muốn hỏi “ông này là ai thế?”. Gioan vội vàng nói ngay “Đây là Chiên Thiên Chúa. Người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Người”.
Đó là sứ mạng của Gioan, người đầu tiên được ghi vào danh sách các vị thừa sai của loài người. Ông cũng là vị thừa sai vĩ đại nhất. Ông chỉ mơ ước một điều là Đức Giêsu phải nổi lên. Còn ông thì chỉ muốn nhỏ đi và lui vào bóng tối. Tất cả cho Đức Giêsu. Đó là phẩm chất cao nhất của một thừa sai.
Mầu nhiệm thứ hai: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana.
Đức Giêsu từ Miền Nam trở về Miền Bắc, mang theo năm đệ tử đầu tiên đó là Gioan, Anrê, Phêrô, Philip và Natanaen. Trước khi đến lập trung lâm truyền giáo ở Caphácnaum, Người đến dự tiệc cưới ở Cana. Đức Maria cũng có mặt ở đó.
Đang ăn vui vẻ thì Đức Mẹ đến nói nhỏ bên tai Chúa “nhà này hết rượu rồi” ngụ ý nói: “Hết phương cầu cứu rồi, chỉ còn làm phép lạ thôi”. Chúa trả lời một câu chắc nịch, lạnh như băng: “Chuyện này không liên quan gì đến Mẹ và Con (hiểu ngầm là mẹ đừng xía vô). Vả lại thời giờ của Con chưa tới. Y như cánh cổng gỗ lim đóng rầm một cái, khóa cứng lại bằng hai ổ khóa to đùng. Không còn lối ra, chẳng còn lối vô.
Tưởng như thế là tuyệt vọng rồi. Gia đình này sẽ bị dư luận chế giễu cho đến hết đời, nhục nhã đến chết được. Cô dâu và chú rể mơ màng thấy mình không thể ăn đời ở kiếp với nhau được. Buồn đến chết được.
Thế mà bỗng dưng người ta thấy mặt Đức Mẹ rực lên một niềm hy vọng. Người tập trung đám thanh niên chạy bàn tới, ra lệnh như một bà tướng: “Tụi con nghe dì dặn nè: Anh Hai biểu gì thì tụi con làm ngay nghen”. Anh Hai tức là Đức Giêsu ra lệnh đổ đầy nước vào 6 cái chum, rồi múc một chum trao cho ông trưởng ban tổ chức. Ông uống một miếng rồi trợn mắt hỏi bên sui trai: “Tụi bay làm gì mà kỳ cục vậy. Rượu ngon phải cho uống trước, rượu lạt để uống sau. Tụi bay làm ngược không à. Tại sao rượu ngon đến bây giờ bây mới cho uống”. Thì ra 6 chum nước lã đã thành 6 chum rượu ngon. Do đâu? Do phép lạ của Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã dứt khoát từ chối không làm phép lạ rồi kia mà, tại sao Chúa lại đổi ý? Tại Đức Mẹ. Tại sao Đức Mẹ đổi được cả ý của Chúa? Không biết. Đó là tài khéo của Đức Mẹ.
Mẹ yêu dấu! Tại sao Chúa đã dứt khoát không làm phép lạ, mà rồi lại làm. Tại Mẹ khéo năn nỉ hay tại Mẹ khóc nức nở làm Chúa mủi lòng? Cho đến bây giờ bí mật ấy chưa bật mí. Chúng con chỉ biết rằng Mẹ đã lật được thế cờ, đưa gia đình nhà đám hôm đó từ nỗi tuyệt vọng đến niềm hy vọng tuyệt vời.
Chúa yêu Mẹ. Chúa quý trọng Mẹ. Chúa không nỡ để Mẹ buồn, Chúa đã thực hiện phép lạ đầu tiên ngoài ý muốn của Người. Một cách gián tiếp Chúa giới thiệu quyền phép cao cả của Mẹ. Từ đó đến bây giờ Mẹ đã lật thế cờ 180 độ bao nhiêu lần rồi. Chúng con cảm phục Mẹ quá chừng. Chúng con xin tặng Mẹ tước hiệu: “Nữ Vương Lật Thế Cờ”!
Mầu nhiệm thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và ơn thống hối.
Nghe tin Gioan Tẩy Giả bị tống ngục, Đức Giêsu giã từ miền Nam, trở về miền Bắc. Người rao giảng ở Caphácnaum. Dân thương quá, mến quá năn nỉ Chúa ở lại luôn với họ đừng đi đâu nữa. Đồng ý là ở lại thì khỏe cái thân. Nhưng Chúa quyết tâm đi đến mọi nơi để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, vì đó là sứ mệnh Chúa Cha đã trao phó cho Người.
Thế là Người ra đi, đi mãi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền Bắc xuống miền Nam, từ vùng người Do Thái cho tới vùng người ngoại.
Chúa kêu gọi mọi người sám hối để vào Nước Trời. Nước Trời ấy không còn giống với luật Môsê nữa. Nước Trời của Chúa:
Không kỳ thị dân ngoại như tác giả Thánh Vịnh 79:
“Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập,
đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng”.
Không xua đuổi người tội lỗi như tác giả Thánh Vịnh 100:
“Ngay từ buổi sớm mai con sẽ diệt trừ cho hết phường ác nhân trong xứ, hầu quét sạch khỏi thành đô bọn làm điều ác không sót một tên”.
Không ném đá người ngoại tình theo luật Môsê, mà chỉ tha thứ và yêu cầu đừng tái phạm.
Không coi luật là mục tiêu mà chỉ là phương tiện phục vụ con người. Luật vị nhân sinh chứ không phải luật vị luật.
Bỏ luật thanh uế để mở đường cho Dân Ngoại gia nhập Giáo Hội. Mọi đồ ăn đều thanh hết (Mc 7,19) là con đường rộng thênh thang nối kết Dân Ngoại và Giáo Hội của Chúa.
Người nghèo, người bệnh tật là những thành phần được Nước Trời ưu đãi. Họ phải được kính trọng, phải được yêu thương và được nghe loan báo Tin Mừng trước ai hết.
Yêu Chúa và yêu người không thể được thực hiện riêng rẽ. Không thể yêu Chúa mà không yêu người. Không thể ghét người mà vẫn bảo rằng mình yêu Chúa.
Nước Trời không thuộc về thế gian này. Quyền và lợi không thể dung hòa được với tinh thần của Nước Trời.
Mẹ yêu dấu. Ba năm ròng rã Con của Mẹ chỉ rao giảng bấy nhiêu, chỉ mơ ước có thế thôi. Người đã trả giá cho bấy nhiêu đặc tính của Nước Trời bằng mồ hôi, bằng nước mắt và bằng cả máu nữa. Chính Mẹ cũng chỉ mong được như thế. Và Mẹ cũng đã góp vào sự nghiệp ấy bằng biết bao nhiêu gian khổ.
Xin Mẹ cũng dạy chúng con để chúng con cũng chỉ rao giảng bấy nhiêu và thực hành bấy nhiêu. Nếu cần chúng con cũng sẵn sàng trả giá như Chúa và Đức Mẹ.
Mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.
Chúa đưa ba môn đệ ưu tú là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để cầu nguyện.
Người ta vẫn nghĩ rằng núi ấy là núi Tabo. Bấy giờ người ta lại bảo rằng núi ấy là núi Hermon.
Một điều khá khôi hài, đó là Chúa thì cầu nguyện, còn ba ông đệ tử thì nằm ngủ lăn lóc. Thầy thì cao như thế, trò thì thấp như vậy.
Môsê và Êlia, đại diện cho Cựu Ước (Luật và Sứ ngôn) đến để đàm đạo với Chúa về cuộc Thọ Nạn sẽ xảy ra tại Giêrusalem.
Bỗng có tiếng từ trời phán “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người”.
Chúa Cha dạy cả Môsê và Êlia phải nghe lời Đức Giêsu, bởi lẽ chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu mà thôi. Biết bao giáo huấn của Môsê đã được Chúa uốn nắn, sửa chữa:
- Môsê cho ly dị. Chúa Giêsu bảo không được làm vậy.
- Môsê phân biệt đồ ăn thanh và uế. Chúa bảo rằng mọi đồ ăn đều thanh hết.
- Môsê ra lệnh ném đá người ngoại tình. Chúa bảo “Ai sạch tội, thì ném đá trước đi”. Không ai dám, vì chẳng ai vô tội.
- Môsê không cho trị bịnh ngày Sabát, Chúa bảo: Ngày Sabát cứu người hay diệt người?
Môsê và Êlia rút lui, hàm ý từ này chỉ còn một bậc thầy duy nhất là Đức Giêsu mà thôi.
Khi thầy trò từ trên núi đi xuống, Chúa truyền dạy các Tông đồ hai điều:
- Không được cho ai biết về cuộc biến hình vinh quang này.
- Chúa công khai cho ba ông biết Người sẽ phải bị loại trừ, bị giết chết. Nhưng ba ngày sau sẽ sống lại.
Hai điều dặn dò của Chúa làm nổi bật cái tâm của Người: vinh quang thì giấu đi; đau khổ thì công khai công bố và nhấn mạnh.
Thế đấy. Nhưng ba ông Tông đồ vẫn mù tịt chẳng hiểu gì cả. Họ hỏi nhau “Sống lại từ cõi chết là gì?”. Nhưng cũng may mắn vô cùng, vì họ giữ được bí mật hiển dung mãi cho tới khi Chúa đã phục sinh.
Chúa mải mê nói về cuộc thọ nạn thậm chí nội dung trao đổi với hai Sứ ngôn Cựu Ước cũng chỉ là cuộc thọ nạn. Thế mới biết mầu nhiệm Thập giá cao quý biết chừng nào.
Mẹ yêu dấu. Xin Mẹ dạy chúng con yêu mến và quý trọng mầu nhiệm Thập giá. Đó là ý của Chúa. Đó là tâm của Chúa và cũng là tâm-ý của Mẹ.
Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể.
Tại nguyện đường Caphácnaum Chúa ngỏ ý muốn lấy chính Thịt Máu của mình để ban sự sống cho nhân loại. Người bị phản đối quá sức, thính giả nhao nhao với nhau rằng “Tại sao ông ta lại lấy thịt của ông để cho chúng ta ăn?”. Chính các môn đệ của Người cũng bỏ về ném lại phía sau một câu vô lễ đến mức độ không còn tình nghĩa thầy trò nữa. Họ nói “Lời gì mà chói tai như vậy? Ai mà nghe cho nổi!”.
Phải thành thật mà nói rằng bài giảng hôm ấy thất bại hoàn toàn và đưa uy tín của Chúa xuống tận vực thẳm. Ai cũng tưởng Chúa sẽ hổ thẹn lắm. Ai ngờ Chúa vẫn cứ tỉnh bơ, quyết tâm bảo vệ ý tưởng của mình cho tới tận cùng. Nhìn nguyện đường đang đông nghẹt người; bỗng trống hơn một cách trơ trẽn, thế mà Chúa vẫn bất cần, quay sang nói với mười hai đệ tử đang ngơ ngác rằng: “Còn anh em, tại sao không bỏ về đi cho rồi?”.
Cái thái độ bất cần ấy của Chúa hé mở một ý nguyện cao siêu lắm, lạ lùng lắm, vượt xa khả năng hiểu biết của người phàm.
Phải chờ mãi tới đêm Thứ Năm Tuần Thánh, ý nguyện cao siêu ấy mới được ngỏ bày, mới được thực hiện.
Chúa cầm ổ bánh mì, ngước mắt lên trời một cách thật thánh thiện, rồi nhìn về phía anh em Tông đồ, chậm rãi và trang trọng tuyên bố: “Đây là Thân Thể của Thầy sẽ bị nạp vì anh em. Hãy cầm lấy mà ăn”.
Bây giờ mới biết ăn Thịt Chúa là thế. Và ăn như thế thì Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa, mãi mãi.
Bánh ấy là Thịt Chúa thật. Chúa không nói ẩn dụ. Đây là lời trăng trối. Lời trăng trối là lời tâm huyết. Rất thật. Rất tha thiết.
Đó là quy luật của tình - yêu nhau thì muốn hai thành một, mãi mãi bên nhau - mẹ yêu con muốn thành một với con để mãi bên nhau. Nhưng chẳng bao giờ mẹ và con ở bên nhau mãi mãi. Cũng vì mẹ là người phàm. Muốn mà chẳng được.
Còn Chúa yêu ta muốn ta và Người thành một để mãi mãi bên nhau, thì Người đã làm được và làm rồi vì Người là Thiên Chúa làm người, là Đấng Toàn Năng.
Với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Người đã biến cơm thành thịt ta, tóc ta, xương ta...
Với tư cách là Thiên Chúa làm người, Người biến ổ bánh mì thành Người để ta ăn “bánh thành Thịt Chúa” ấy, thì Chúa và ta thành một, mãi mãi.
Đó là mầu nhiệm của tình yêu. Đó là Thiên Chúa toàn năng trở nên một với loài người thấp hèn. Tuyệt vời và siêu tuyệt vời.
Mẹ yêu dấu, xin dạy chúng con biết yêu mến Bí tích Thánh Thể. Xin dạy chúng con biết mình đã được trở nên một với Con của Mẹ. Vinh dự vô cùng.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu