Một linh mục truyền giáo trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, đã đến ở đậu nhà một bà góa.
Cả chủ lẫn khách đều xấp xỉ bốn mươi. Cả hai bên đều giữ kẻ với nhau. Chẳng ai nói chuyện với ai. Không ghét nhau mà như kẻ thù của nhau.
Bỗng... một ngày kia, bà chủ nhà lên tiếng.
- Anh Tám à. Tôi hỏi thiệt anh cái này nha. Tôi không có ý bỉ đạo của anh đâu. Tại tôi nghe người ta nói thì tôi mới hỏi anh. Người ta biểu rằng ông Giêsu hồi lên 18 tuổi, mẹ đưa đi hỏi vợ, ổng không chịu. Năm nào mẹ cũng hối lấy vợ, ổng cứ tỉnh queo. Mãi đến năm 33 tuổi, thì... ổng lấy mẹ ổng. Thế là bà con trong làng lôi ổng lên núi lột hết quần áo, rồi đóng đinh vào cây thập ác... Cái đó có thiệt không?
- Hiện nay trên thế giới đã có hai tỉ người theo đạo của Chúa rồi. Trong số đó có những nhà bác học như ông Newton, Pasteur v.v... Không lẽ hai tỉ người lại ngu đến nỗi thờ một người lếu láo như thế. Chắc là người xấu xuyên tạc vậy thôi.
***
Một cái chết cao cả như thế, mà lại bị xuyên tạc tồi tệ đến như vậy. Buồn quá! Nhưng... tại sao? Tại vì:
1. Có những người xấu thích xuyên tạc việc làm của những người không thuộc phe của mình.
§ Trâu ăn ghét trâu buộc. Có ai đó thấy Phaolô hoạt động giỏi quá thì ghen, bèn lôi quá khứ “bắt đạo” của Phaolô ra để dìm đi.
* Có ai đó thấy Đức Giêsu nổi danh quá thì ganh ghét, bèn lôi lý lịch thợ mộc của Chúa ra để hạ Chúa xuống.
* Ở bên Trung Quốc có một trường mẫu giáo nọ hoạt động rất thành công, thu hút nhiều học sinh và... có lợi nhuận cao. Bỗng sau một bữa cơm trưa, các em học sinh bị ngộ độc lả tả... Thì ra có người lén bỏ thuốc độc. Người ấy là chủ của một trường mẫu giáo không thành công.
2. Có những người nhẹ dạ, cả tin, thích phổ biến tin giật gân. Tin dữ được phổ biến rộng hơn tin lành. Tin phi lý được đón nhận mau hơn tin hữu lý.
* Lính canh mộ Chúa nhận nhiều tiền của Thượng tế để phao tin rằng: “Đang đêm, khi chúng tôi ngủ, thì môn đệ của Giêsu lấy trộm xác mà giấu đi”. Lính canh mà ngủ. Ngủ mà lại thấy. Thấy mà không phản ứng. Chuyện phi lý đến độ buồn cười như thế mà vẫn được phổ biến sâu rộng và tồn tại mãi cho tới thời Matthêu viết cuốn Tin mừng thứ nhất tức là vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ nhất. “Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay” (Mt 28,15).
* Đã có một lúc người ta đồn là năm 2000 sẽ tận thế. Tin ấy cũng làm bao nhiêu người hốt hoảng kể cả nhiều nhà tu hành. Năm 2000 qua đi, chẳng thấy gì. Bị chọc quê “năm phút” rồi thôi.
3. Hạt giống Tin mừng bị “gí bồ” trong các xóm đạo, chứ không được gieo vãi rộng rãi. Men bị bỏ vào hủ cất đi, chứ không được trộn vào bột. Kết quả: men thì mốc, bột thì thiu.
* Người đạo Công giáo thích sống quây quần bên nhau thành một xóm đạo. Người lương sống xa người đạo, nên chỉ hiểu về đạo một cách lờ mờ.
* Chính luật và lệ trong đạo làm người đạo xa cách người lương. Trước đây một nửa thế kỷ nhiều họ đạo không cho phép tín đồ đi coi hát cải lương. Người đạo sống trên đất nhà chung, khi muốn dời đi nơi khác, thì không được chuyển nhượng cho người lương. Khi làng tổ chức đình đám, thì người Công giáo đứng ngoài lề, vì sợ phải cúng kiếng, phải ăn đồ cúng.
* Khi sống thì sống xa người lương. Khi chết cũng phải nằm cách biệt với người lương. Khi chết mà không được chôn trong đất thánh, thì là một nỗi nhục không thể chịu nổi. Xa nhau, xa mãi cho tới chết!
4. Đạo của Chúa được trình bày một cách thật khó hiểu.
* Hơn 400 năm thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh. Nếu người ngoại có đến dự lễ lén thì cũng chẳng hiểu gì. Chẳng hiểu gì, thì dễ sinh ra xuyên tạc.
* Các bí tích đều rất khó hiểu. Trong lễ nghi Rửa tội ngày xưa, còn có mục xức nước miếng trên miệng người thụ lãnh. Không ghê tởm sao được. Xức dầu dự tòng trên ngực người phụ nữ, thì người lương hiểu ý tốt sao được.
* Nhìn ảnh Chúa thọ nạn mà không được giải thích cặn kẽ, thì không thể không bị sốc được. Biết bao chuyện tiếu lâm được sáng tác xoay quanh hình ảnh Chúa thọ nạn. Loan báo Tin mừng như thế thì lỗ hay lời?
5. Một cuốn “sách phần”, “sách bổn” được sử dụng hằng nhiều trăm năm, có một bố cục không hề thay đổi. Đó là “những điều phải tin”, “những điều phải giữ” và “những điều phải làm”. Đó là tín lý, luân lý và bí tích. Tuyệt nhiên không có phần về “những điều, những cách phải loan báo”, tức là sứ mạng loan báo Tin mừng.
Thắc mắc của bà chủ nhà gởi tới ông khách tu hành trên đây là điều đáng buồn, đáng tiếc. Buồn tiếc vì có ai đó xấu mồm xấu miệng. Buồn tiếc vì có những ai đó nhẹ lòng nhẹ dạ tin và phổ biến những điều ấy. Nhưng buồn và tiếc nhất lại chính là vì những người con Việt Nam của Chúa đã đón nhận Tin mừng từ năm 1533 mà mãi tới năm 1975 vẫn còn có biết bao nhiêu người chưa được nghe Tin mừng, mà chỉ bị nghe tin xấu về Đức Giêsu Kitô. Lỗi bởi ai?
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu