Địa bàn giáo phận Hưng Hoá trải dài trên 9 tỉnh miền Tây bắc Việt Nam, với một địa hình toàn là đồi núi, dân cư thưa thớt. Đây là vùng đất có 39 sắc tộc sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao, H'mông, Mán Trắng, Mán đỏ, Nhắng, Cao Lan... Người dân tộc nơi đây còn rất nghèo nàn và lạc hậu. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số phụ thuộc vào việc trồng trọt, canh tác đất đai, chứ không kinh doanh buôn bán gì, nếu có chăng thì số này rất ít.
Đặt chân lên vùng đất Lục Yên thuộc tỉnh Yên Bái, đi vào trong các xã, các bản làng của người Dao, tôi nhận thấy cuộc sống của họ thật khó khăn. Dừng xe tại xã Phúc Lợi, Lục Yên, Yên Bái, tôi cùng với các soeur và những người dân địa phương đi vào bản thăm các gia đình bệnh nhân phong và con cháu của họ. Từ ngoài đường quốc lộ 70 đi vào khoảng hơn chục cây số. Những con đường đất đỏ gập ghềnh, lầy lội do hậu quả của những đợt mưa dầm gió bấc của mùa đông. Có những đoạn đường có thể đi bằng xe máy, nhưng có những đoạn phải đi bộ mất vài cây số. Thấp thoáng dưới những chân núi là những ngôi nhà sàn lợp lá cọ, theo kiểu của người Dao, người Thái. Đa số những ngôi nhà đã cũ, bị xiêu vẹo, có những cái xuống cấp trầm trọng. Người Dao nơi đây sống xung quanh khu vực thượng nguồn hồ Thác Bà rộng lớn. Chị Púng kể lại: “Khổ lắm các bác ạ, mỗi lần nước lên nhà em ngập hết cả ruộng lúa và hoa màu, khó làm ăn lắm”. Chị Púng là một bệnh nhân phong mới được phát hiện. Chị có 4 đứa con, một đứa đã xây dựng gia đình, còn 3 đứa đang đi học. Chị bị bệnh từ lâu, nhưng sợ không dám đi khám. Nhiều lần Trạm Y tế xã mời bác sĩ ở tỉnh về để khám và điều trị, chị trốn lên nương. Các cụ trong bản họp lại và làm công tác vận động tốt nên chị đã đồng ý đi khám và điều trị các chứng phong.
Được cái người Dao bây giờ cũng không sinh đẻ nhiều như trước, chỉ 3 đến 4 đứa là nhiều, họ cũng kế hoạch hóa gia đình theo sự tuyên truyền vận động của nhà nước. Tuy nhiên để lo cho bọn trẻ được đến trường thì không phải gia đình nào cũng lo được. Có những em vừa mới chuẩn bị vào cấp 3 đã nghỉ học, vài tháng sau báo là đã lấy chồng. Ở độ tuổi đến trường các em học sinh người dân tộc thiểu số cấp 1, cấp 2 là 100%, nhưng đến cấp 3 chỉ còn 30 %. Bởi các gia đình suy nghĩ một điều đơn giản thế này: học xong có việc gì làm đâu, tốn tiền rồi cũng về lấy vợ, lấy chồng lại bám vào nương rẫy.
Quả thật, tình trạng học xong không có việc làm, hoặc phải làm trái nghề không chỉ xảy ra với người dân tộc thiểu số, mà ngay cả người Kinh cũng vậy. Vận động các bậc phụ huynh dân tộc cho con em đến trường là cả một chiến dịch khó khăn; để đánh đổ cái quan niệm cổ hủ, lỗi thời dẫn đến cái vòng luẩn quẩn, “nghèo - dốt - nghèo”, không phải là dễ dàng. Ngoài ra đời sống kinh tế khó khăn, ăn còn không đủ, chứ nói gì đến việc đi học. Hỏi mấy người trong bản: các gia đình có đủ ăn không? Nếu thiếu ăn thì mỗi năm thiếu ăn mấy tháng? Họ nói: khoảng 4-5 tháng. Thế mấy tháng kia lấy gì mà ăn? Họ nói: phải đi làm thuê, chăn nuôi con lợn, con gà để lấy tiền mua gạo bác ạ.
Bây giờ còn đỡ, chứ trước đây con em bệnh nhân phong đi học còn bị kỳ thị, tách biệt. Tôi đã từng giúp bệnh nhân phong ở Đồng Lệnh, Tuyên Quang, tiếp xúc với bệnh nhân và các em học sinh. Họ kể lại rằng: “con em chúng tôi đến trường họ bắt phải ngồi riêng một ghế, không cho ngồi chung”. Con em bệnh nhân được khám và chứng nhận không có bị sao, đều khỏe mạnh lành lặn thế mà bị xã hội kỳ thị, kỳ thị ngay tại học đường, nơi mà người ta cho là tri thức là thiêng liêng nhất. Nghĩ lại mà thấy xót xa…
Sau khi thăm một số gia đình bệnh nhân ở Phúc Lợi, chúng tôi tiếp tục đi Tân Lĩnh, Lục Yên, nơi có một gia đình người Mán Trắng bị mắc bệnh phong. Dừng xe ngoài đường lộ liên tỉnh, tôi đi bộ mất gần 3 km, leo qua mấy ngọn đồi mới vào đến nhà. Hai vợ chồng còn trẻ, sinh được hai mụn con rất xinh xắn. Ngồi uống chén nước, anh chồng rơm rớm nước mắt tâm sự: Gia đình em, bố mẹ mất sớm, chỉ còn mình em. Bao nhiêu năm vất vả, nghèo đói, ở nơi xã xôi hẻo lánh. Nhà bị đổ nát, chúng em phải làm lại. Em lại bị mắc căn bệnh xã hội, em thấy rất buồn.
Căn nhà hai vợ chồng dựng lại bằng gỗ lợp lá cọ khá khang trang, trị giá gần 60 triệu đồng. Họ đã gửi đơn xin Hội Thánh Damien trợ giúp. Sau 6 tháng nghiên cứu và đi xem xét thực tế, Hội đã quyết định giúp 46.500.000 đồng, tương đương với 2.200 USD. Hai vợ chồng và những người thân rất mừng vì sự quan tâm đặc biệt của Hội Thánh Damien đối với những người phong cùi. Chị vợ nghẹn ngào vì xúc động muốn nói lời cảm ơn mà không thành lời. Rời Tân Lĩnh, xuôi theo quốc lộ 70, đoàn chúng tôi trở về Phú Thọ, kết thúc một ngày thăm viếng đầy vất vả nhưng thật ý nghĩa.
Những hình ảnh về bệnh nhân phong, về con cháu của họ và cuộc sống nghèo nàn, khổ cực của những người dân tộc Dao ở đây cứ hiện lên trong tôi, muốn chất vấn tôi phải làm gì đó để giúp họ. Quả thật đi sâu vào các thôn bản dân tộc, đến từng nhà mới thấy cuộc sống của họ còn quá nhiều khó khăn. Xóa đói, giảm nghèo ư, chỉ là trên giấy tờ, sổ sách, trên báo cáo, hay trên loa phóng thanh, chứ đi vào thực tế thì con đường từ miệng đến tay quả thật quá dài.
Nhìn thấy hoàn cảnh thực tế của những bệnh nhân phong và người dân tộc Dao nghèo khổ chắc chắn không ai là không động lòng trắc ẩn, những trái tim lạnh lùng và chai cứng cũng sẽ trở nên ấm áp và mềm mại. Họ nghèo nhưng cuộc sống thật bình yên với núi rừng, với nương rẫy.
Hy vọng những cảm nghiệm nhỏ bé này sẽ làm thức giấc những con tim và thôi thúc cộng đồng xã hội, những tâm hồn thiện chí cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh không chỉ ở địa bàn giáo phận Hưng Hóa, mà còn ở nhiều nơi trong xã hội, những góc rất khuất của cuộc đời. Họ là bạn của Thầy Giêsu, ta quan tâm đến họ chắc chắn Thầy của chúng ta vui lắm.
Nhà của mẹ con Chị Púng