Từ đó người nghèo, tinh thần khó nghèo, tình trạng nghèo, nguyên nhân nghèo và hậu quả của tình trạng nghèo đã làm nặng lòng Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử hai mươi thế kỷ.
Người nghèo lúc nào cũng chiếm trên ba phần tư dân số thế giới. Tình trạng nghèo thì thê thảm. Có những người ăn mặc và cư trú một cách tồi tệ, tưởng như không xứng đáng với con người. Nguyên nhân nghèo thì vô số: không khả năng lao động, người bóc lột người, chiến tranh tàn phá, ngu dốt và lười biếng.
Cứu đói mãi, đói vẫn hoàn đói. Muối bỏ biển. Giáo Hội quay sang cứu ngu. Ở đâu có nhà thờ, thì ở đó có trường học. Hy vọng rằng khi người ta hết ngu dốt, thì người ta sẽ biết tự cứu đói. Cứu đói song hành với cứu ngu. Cứu mãi. Vẫn muối bỏ biển. Đói và ngu là một cặp vợ chồng trẻ quái thai. Vợ chồng mắn đẻ này đi chu du khắp thế giới. Đi đâu đẻ đấy. Ta đang ở đầu thế kỷ 21 rồi, mà người nghèo vẫn chiếm ba phần tư dân số thế giới. Họ vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc trị bệnh và thiếu điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn.
Mỏi chân quá rồi, “ông từ thiện” muốn dừng chân và suy nghĩ. Ông tự vấn mình rằng: “Đức Giêsu đã sống nghèo như thế nào? Người đã làm gì cho người nghèo? Và Người có thành công không?”.
1. Đức Giêsu đã sống nghèo như thế nào?
Có người bảo rằng Chúa nghèo tới mức độ “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”. Thật không? Không là chắc, vì Thánh Giuse có nhà, nhưng nhà ở Nadarét chứ không ở Bêlem. Sinh trong hang bò lừa vì lỡ đường chứ không vì “vô gia cư”. Khi Chúa qua đời, vì không sắm mộ trước để chôn, nhưng lại được chôn trong ngôi mộ của ông Nghị viên Giuse Arimathia; lại được mai táng với ba mươi hai kilô lô hội và mộc dược. “Tử vô địa táng” là như thế sao?
Đức Giêsu không sống nghèo kiểu “sinh vô gia cư, tử vô địa táng” như thế. Và Người cũng không chủ trương như thế. Bằng chứng?
Hội Thánh gia thất chỉ có ba khẩu. Thánh Giuse thì chắc chắn là cần cù lắm và cũng đạo đức lắm. Ông thợ mộc vừa cần cù vừa đạo đức thì không bao giờ thất nghiệp. Đức Mẹ thì đảm đang, giỏi giang lắm. Cứ coi Đức Mẹ linh hoạt trong tiệc cưới Cana thì đủ biết. Đức Giêsu thì vừa cần cù, vừa khỏe mạnh, vừa thánh thiện. Phải khẳng định một cách tiên thiên như thế. Một ông thợ mộc như thế thì không thể nghèo được. Lại còn tiết kiệm quá sức nữa. Những mẩu bánh vụn rơi rớt trên bãi cỏ, Chúa không bỏ cho chim cho kiến ăn, mà gom lại. Lý do chỉ là “kẻo uổng phí đi” (Ga 6,12).
Trong ba năm truyền giáo Chúa chẳng bao giờ bị bỏ đói. Không làm mộc nữa, không thu nhập nữa, nhưng bá tánh chăm lo đãi đằng. Họ là người thụ ân của Chúa: ơn cứu bệnh, có cả ơn cứu sống nữa.
Chúa có rất nhiều mạnh thường quân: bà Gioana vợ của ông Khugia quản lý của vua Hêrôđê; bà Maria em của Matta sở hữu một chai dầu thơm trị giá 300 đồng tiền lương của một người thợ làm quần quật suốt một năm trời; bà Maria mẹ của Maccô, một người giàu nứt khố đổ vách sở hữu chủ một căn lầu rộng rãi chứa cả trăm người tọa lạc ngay trung tâm thủ đô Giêrusalem; ông Giakêu, trưởng ty thuế vụ thành Giêricô...
Áo Chúa mặc là một tấm áo quý, đan móc từ trên xuống dưới không có đường may nào. Áo đó không phải là áo người nghèo đâu.
Người chẳng có gì cho mình, nhưng lại chẳng thiếu gì. Vẫn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, vẫn có xuồng để ngồi giảng, vẫn có thuyền đi sang bên kia bờ hồ, vẫn có con lừa để cởi, vẫn có căn lầu rộng rãi để ăn lễ Vượt Qua. Ngay cả các môn đệ của Người cũng chẳng thiếu gì (Lc 22,35).
Người không thích tiền, không giữ tiền. Nhưng có lúc Người phải chi hằng triệu đồng Việt Nam cho mỗi ngày. Đó là những lúc mở chiến dịch, tung ra Nhóm Mười Hai, Nhóm Bảy Hai cùng lên đường truyền giáo. Nếu Người không tích quỹ truyền giáo, thì bá tánh cũng vẫn phải chi. Người có quỹ truyền giáo, vì thế mới có ông quản lý Giuđa. Quỹ ấy chắc là lớn vì có lớn thì mới để ông quản lý vừa chi, vừa chấm mút.
2. Đức Giêsu đã làm gì cho người nghèo?
Thánh Kinh không kể chuyện Người bỏ tiền vào nón người hành khất. Cũng không hề kể chuyện Người đi thăm và giúp đỡ người nghèo. Nhưng vì hiểu ý Người nên ông Giakêu đã hiến một nửa gia tài, giàu có cho người nghèo (Lc 19,8). Giakêu giúp thay Chúa và vì Chúa.
Chắc chắn là Chúa từng sai ông quản lý Giuđa đi giúp người nghèo, nên khi Giuđa ra khỏi phòng Tiệc Ly, có người đón mò là Chúa sai hắn đi giúp người nghèo (Ga 13,28-29). Sự phỏng đoán ấy sẽ rất vô duyên, nếu Chúa chưa bao giờ bảo Giuđa đi làm công tác từ thiện. Nhất là lúc ấy trời đã tối mịt.
Chúa động viên người giàu chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Người động viên mạnh mẽ tới mức độ nếu người giàu mà chỉ biết ăn xài xa hoa mà quên giúp người nghèo, thì Người gọi họ là “đồ ngốc” (Lc 12,20). Và có thể là thua con chó (Lc 16,21). Con chó trong dụ ngôn “ông phú hộ và ông Ladarô nghèo” có vẻ còn hữu ích hơn ông phú hộ.
3. Đức Giêsu đã không thành công trong công tác cứu đói, vì người đói vẫn còn đó, hằng hà sa số. Và dường như không những không thành công mà Người còn thất bại nữa.
Thấy dân đói, sợ họ bị xỉu trên đường về, Người đã hóa bánh cho họ ăn no. Thế là họ làm méo mó lịch sử cứu độ. Họ hè nhau tôn Chúa làm vua để mãi mãi cho họ được no ấm. Chúa phải bỏ chạy, trốn lên núi. Chúa buồn về chuyện ấy lắm. Người đã nói với mấy người đi tìm Người rằng: “
Tôi biết các ông tìm tôi nhưng không phải vì một dấu lạ, nhưng vì được ăn no cái bụng” (Ga 6,26). Buồn thì buồn, nhưng thương thì vẫn thương. Bởi vậy đây không phải là phép lạ hóa bánh lần đầu tiên và lần cuối cùng. Người còn làm phép lạ hóa bánh lần thứ hai nữa (Mc 8,1-11). Và biết đâu đấy, có thể còn có nhiều lần như thế nữa.
Ai cũng biết rằng không nên cho con cá, mà nên cho cái cần câu và dạy người nghèo câu cá lấy mà ăn. Nhưng hỉ ôi! Biết bao nhiêu cần câu đã bị “bốc hơi”.
Các vị Giám mục Mỹ Châu La Tinh đã từng “cho cá” rồi lại từng cho “cần câu”, mà người nghèo vẫn còn đó trùng trùng điệp điệp. Noi gương Đức Giêsu, vừa buồn vừa thương. Buồn thì không muốn “cho cá” và cho “cần câu” nữa. Nhưng vì thương quá nên lại vẫn cho. Nhưng các ngài ý thức rằng nếu không có Đức Giêsu, thì người giàu cũng khổ, người nghèo cũng khổ. Cứu khổ không phải là cứu đói, vì cứu đói xong rồi thì khổ vẫn còn đó. Vẫn “cho cá”, vẫn “cho cần câu”. Nhưng đồng thời cũng “cho Đức Giêsu”.
“Cho cá” và “cho cần câu” đều là chứng tá của Tin Mừng. Nhưng cho đúng nhất và đầy đủ nhất là “cho Đức Giêsu”. Đại Hội Đồng các Giám Mục Mỹ Châu La Tinh đã tuyên bố tại Puebca năm 1979 rằng:
“Việc phục vụ con người tốt đẹp nhất là loan báo Tin Mừng. Công việc đó giúp con người phát triển như con cái Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi những bất công và thúc đẩy công trình phát triển toàn diện con người”.
Có Đức Giêsu trong tim rồi, thì dù vẫn còn đói, nhưng chỉ đói mà không khổ. Có Đức Giêsu trong tim rồi, thì người giàu có đua nhau đem cơm áo tặng người nghèo và coi người nghèo là ân nhân của mình.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu