Thứ bảy, 23/11/2024

Luật độc thân - Trích trong "Vụn vặt và suy tư" của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 15:51 20/11/2015
Một ông linh mục tuổi tứ tuần, đang lang thang dạo phố, thì có người vỗ vai từ phía sau. Quay lại thì thấy anh công an phường nhà. Tay bắt mặt mừng, kéo nhau vào quán cà phê gần nhất.

Hai ly cà phê đá. Ba điếu thuốc Jet. Chuyện con cà con kê: từ chuyện an ninh trong phường, đến chuyện sinh hoạt nhà thờ. Hết chuyện rồi, thì im lặng nhả khói. Bỗng... anh công an cúi mình về phía trước, hỏi nho nhỏ:

- Bộ anh không có vợ thật hả?

- Bộ anh không tin linh mục sống độc thân hả?

- Tôi không tin. Anh giấu vợ ở đâu đó. Tôi thấy anh đi thành phố hoài à.

- Anh đã đi Sài Gòn bao giờ chưa?

- Lâu lâu mới đi một lần?

- Anh đi Sài Gòn để thăm vợ bé phải không?

- Tôi đi công tác chứ bộ. Anh đừng nói bậy. Bà xã tôi mà nghe được, thì từ chết đến bị thương.

- Tôi cũng đi công tác. Anh đừng nghĩ bậy. Giáo dân trong họ đạo tôi mà nghe được, thì anh sẽ từ chết đến chết, chứ không có bị thương đâu nhá.

- Thiệt tình mà nói, tôi vẫn cứ thắc mắc:

* Một: Linh mục các anh có sống độc thân thật không?

* Hai: Sống độc thân là không có vợ, nhưng có chơi bời không?

* Ba: Làm đàn ông mà không “biết” đàn bà, thì có bị stress không?

* Bốn: Giáo Hội các anh bắt linh mục phải sống độc thân thì có vô nhân đạo không?

* Năm: Hằng năm linh mục các anh đi cấm phòng. Phải chăng là ông giám mục thưởng các anh: mỗi linh mục một phòng và một người đàn bà. Tha hồ hú hí...

Ông linh mục được hưởng một trận cười quá đã. Cười cho đã, rồi ông rỉ rả tâm sự.

Nếu anh thiệt tình thắc mắc, thì tôi cũng xin chân thành giải đáp.

Một: Trước khi lãnh tác vụ linh mục, chúng tôi phải tuyên hứa sống độc thân. Chúng tôi đã có một thời gian rất dài để suy nghĩ, để luyện tập, để thấy mình có thể sống độc thân. Thời gian dài ấy của riêng tôi là: tám năm học ở Tiểu Chủng Viện; bảy năm học ở Đại Chủng Viện và hai năm đi thực tế. Tôi lãnh tác vụ linh mục ở tuổi 28. Quyết định sống độc thân ở tuổi 28, không phải là chuyện “nhắm mắt đưa chân”, mà là việc làm có tính toán trước.

Dĩ nhiên luật linh mục sống độc thân là luật của Giáo Hội Công giáo Rôma – Linh mục Chính Thống giáo và Anh giáo đều có thể lấy vợ. Luật này là luật của “hôm nay”. Thời Giáo Hội sơ khai không có luật này. Còn “ngày mai”, thì luật này có thể tồn tại hoặc có thể được bãi bỏ. Hãy để “ngày mai” trả lời.

Hai: Anh thấy chúng tôi không có bà xã, nhưng vẫn nghi ngờ chúng tôi có thể chơi bời nhăng nhít. Thì dĩ nhiên anh có quyền nghi ngờ. Nhưng là công an, anh biết cách theo dõi, tìm tòi để làm sáng tỏ mọi cái nghi ngờ. Nói thiệt với anh là nếu tôi có nhăng nhít, thì anh biết liền, vì họ đạo tôi có 5.000 tín đồ, tức là gần 10.000 con mắt theo dõi. Tôi có thể qua mắt anh, nhưng tôi không thể qua mắt 5.000 tín đồ của tôi được...

- Cho tôi ngắt lời anh, vừa rồi anh nói là họ đạo anh có 5.000 tín đồ, 5.000 người nhân với hai thì là 10.000 con mắt chứ. Tại sao anh lại nói là gần 10.000 con mắt. Anh có ý đồ gì không?

- Thì tại họ đạo tôi có một số người khiếm thị.

- Trời! Anh cân nhắc kỹ quá làm chi vậy?

- Rồi. Tôi tiếp tục giải đáp.

Ba: Sex là một yêu cầu thúc bách đến độ có người cho rằng loài người và loài vật đều không thể cưỡng lại được. Chính vì thế, dù Đại Hồng Thủy, dù chiến tranh khốc liệt trai gái vẫn yêu nhau, vẫn phối hợp để loài người sinh tồn. Có ai đó kể rằng: trong một hầm trú ẩn có một anh và một cô du kích, với hai nòng súng cùng lăm lăm hướng về chiếc máy bay cán gáo. Đạn ở dưới bắn lên. Đạn ở trên nhả xuống. Mùi thuốc súng khét lẹt. Sự sống và sự chết chỉ cách nhau bằng một sợi tơ nhện. Thế mà chính ngày hôm ấy, trong chính căn hầm ấy, anh du kích được làm cha, cô du kích trở thành người mẹ.

Anh có kinh nghiệm về điều đó, nên phỏng đoán rằng người độc thân bị dồn nén bởi sex. Từ đó anh có thể kết luận rằng người độc thân như chúng tôi mà không được xả xu-páp thì sẽ bị stress và sẽ không bình thường. Anh có lý vì lý luận của anh có cơ sở khoa học. Nhưng xin anh coi người làm xiếc. Họ đi trên dây cáp ở độ cao chóng mặt. Anh cứ tưởng họ sắp té xuống, nhưng họ không té, vì họ có cây sào giữ thăng bằng và họ đã luyện tập lâu dài. Và họ có năng khiếu cộng với lòng tự tin.

Làm trò xiếc là rất khó, nhưng không khó quá. Sống độc thân cũng vậy: rất khó, nhưng không khó quá đâu. Anh tin tôi đi.

Bốn: Nếu bảo Giáo Hội là vô nhân đạo, khi bắt các linh mục phải sống độc thân, thì cũng phải bảo rằng ông bầu xiếc là vô nhân đạo, khi bắt đàn em mình phải đi trên dây cáp, phải đúc đầu vào mõm sư tử... Ông bầu xiếc đã tuyển chọn, đã huấn luyện đàn em như thế nào, thì Giáo Hội cũng tuyển chọn và đào tạo ứng viên linh mục như thế. Và dĩ nhiên số người làm trò xiếc không nhiều vì nghề làm xiếc không dễ. Số người làm linh mục cũng vậy: không nhiều, vì sống độc thân không dễ.

Người làm trò xiếc chỉ cần năng khiếu và kỹ năng, còn linh mục thì ngoài năng khiếu và kỹ năng, còn có ơn phù trợ của Đấng thiêng liêng nữa. Anh không tin có Đấng thiêng liêng, nhưng chúng tôi tin và đó là sức mạnh tinh thần của chúng tôi. Ngoài ra, về mặt tâm lý, khi người ta say mê một cái gì, thì có thể quên cái kia. Anh mê nhậu với bạn, quên về với vợ. Anh mê coi đá bóng, quên cả giấc ngủ cần thiết. Chúng tôi cũng phải chọn một cái say mê nào đó để quên sex. Quên được đấy.

Năm: Hằng năm linh mục chúng tôi đi cấm phòng. Cấm phòng theo nghĩa đen là chỉ ở trong phòng để cầu nguyện, để tự kiểm công tác trong năm, để phác họa một chương trình hoạt động cho năm tới. Thực tế, thì chẳng ai vô phòng riêng - ăn cơm trong nhà cơm tập thể. Đọc kinh chung trong nhà thờ. Kiểm điểm và trao đổi ý kiến trong hội trường.

Nếu anh, hoặc ai đó hiểu rằng chúng tôi cấm phòng là vô phòng, đóng cửa lại, hú hí với đàn bà con gái, thì tôi không thèm giải đáp...

- Buồn hả?

- Ừ. Nhưng tôi không buồn cho tôi. Tôi chỉ buồn cho ai đó lãnh đạo tôi, mà chã hiểu tôi là gì. Y như cô giáo lớp mầm non mà không học sư phạm, cứ tưởng học trò của mình là bầy vịt con, ăn giun, ăn dế. Y như một ông tài xế ngồi ôm vô-lăng mà chả biết lái xe, cứ ngồi mân mê hộp số, sang số, rồ ga, rồi kêu “trời ơi là trời”.

-?! Thôi, chúng mình tạm giã từ nhau. Sau này còn nhiều chuyện để bàn.

Hai người siết tay nhau. Hai người cùng cười. Một người cười đắc thắng. Một người cười trừ. Một người nhìn về quá khứ. Một người hướng về tương lai. Nhưng cả hai người vẫn giữ lại một cái gì đó cho nhau. Đó là tình người
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:
LỜI TRI ÂN
Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tình thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất.
Xin Chúa trả công bội hậu, ban nhiều phúc lành cho Quý vị và ước mong Quý vị sẽ mãi đồng hành cùng Caritas Hưng Hóa trong suốt thời gian tới.
 
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si'
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.caritashunghoa.org!
log