Mình mở lớp giáo lý dành cho người chỉ tầm đạo chứ chưa muốn theo đạo. Bài đầu tiên là “Có Thiên Chúa và Thiên Chúa là cha của chúng ta”. Tay thì vẽ tranh. Miệng thì thuyết minh. Tay và miệng như hai dòng nước cứ cuồn cuộn chảy. Thính giả cứ trợn mắt mà dòm, cứ vểnh tay mà nghe. Quá đã! Bỗng có một ông xồn xồn giơ tay chặn họng mình.
- Không thấy Chúa mà tin có Chúa là mơ hồ.
- Rất đúng, nhưng chưa phải là duy nhất đúng.
- Tại sao?
- Xét về một mặt nào đó, thì câu nói của anh là tuyệt vời. Nhưng xét về mặt khác, thì câu nói ấy chả đúng tí nào.
- Xin linh mục nói rõ hơn.
- Câu nói của anh là tuyệt vời, vì chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sự gian dối. Ông cha chúng ta đã phải thốt lên rằng: “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Quả vậy gian dối tràn lan từ vua chúa quan quyền cho đến hàng lê thứ.
Người làm chính trị nói dối để củng cố địa vị. Tào Tháo là mẫu người tiêu biểu vào hạng nhất.
Nhà quân sự có thể dùng người đẹp để chuyển trái bom giết người đến cho đối phương.
Người làm thương mại chú tâm tạo mẫu mã hấp dẫn để thu hút khách hàng hơn là tăng giá trị của phẩm chất. Đó cũng là một cách gian dối.
Vợ chồng yêu nhau là thế: “Ta với mình tuy hai mà một”, vậy mà cũng giấu giếm nhau. Chồng có vợ bé mà cứ thề độc: “Tôi mà có vợ bé thì bà Thủy bắt tôi, xe hủ lô cán tôi...”. Vợ xúc lúa một bồ đem bán lấy tiền để ghi số đề. Chồng thắc mắc: “Tại sao bồ lúa nhà mình mau vơi thế?”, thì vợ trả lời tỉnh queo: “Biết đâu à”.
Báo chí là tiếng nói đáng tin cậy như thế, vậy mà vẫn bị bia miệng chế giễu: “Nhà báo nói láo ăn tiền”.
Sống trong một xã hội đầy gian dối như thế thì ai cả tin là bị lừa ngay. Bởi vậy, khi chưa thấy, thì cứ để đấy, đừng vội tin. Lập trường ấy là khôn ngoan tuyệt vời.
Nhưng xét về mặt khác, thì câu nói của anh chả đúng tí nào.
- Không dám đâu. Linh mục phải phân tích cụ thể, thì tôi mới chịu.
- Đồng ý. Tôi sẽ nói chuyện khoa học, rồi tôi sẽ dẫn chứng bằng đời sống thực tế.
Khoa học khẳng định rằng: “Vật chất không thể tự hữu”. Nếu vậy thì vật chất hiện hữu phải xuất phát từ một siêu vật chất. Siêu vật chất ấy ở ngoài tầm tay của khoa học. Khoa học chỉ làm việc với những gì có thể đong, đo, cân, đếm. Mà những cái “Cân - đo - đong - đếm” ấy khoa học đã xác nhận là nó không thể tự hữu. Vậy nếu ta bảo cái siêu vật chất ấy là Chúa thì chẳng có gì là mơ hồ. Khoa học không thể phủ nhận ý kiến ấy, vì nó ở ngoài tầm tay của khoa học.
Chuyện đời thường cho phép ta tin khi ta không thấy.
1. Anh ngồi ở đây. Tôi thấy. Tôi tin có anh. Nhưng tôi không thấy cha của anh. Dù vậy tôi vẫn có quyền khẳng định rằng anh có cha. Không những thế, tôi còn biết rõ cha anh là đàn ông, mà không cần dựa trên bất cứ tài liệu nào.
Trong phòng lớp này có bàn, ghế, bảng, đèn điện, quạt điện. Ai làm ra những thứ này, thì ta không thấy. Nhưng chẳng ai trong chúng ta dám bảo rằng: “Chẳng có ai làm ra chúng”. Nếu có ai đòi thấy tác giả đã rồi mới dám tin, bàn ghế do thợ mộc đóng, đèn điện và quạt điện do thợ nào đó lắp ráp, thì e rằng người ấy không bình thường.
Câu nói lỡ miệng của mình làm cho bầu khí lớp học trở nên căng thẳng, mình vội lái sang chuyện tiếu lâm:
“Khi chưa có siêu âm, cô y tá hộ sản phải dòm cái “ấy” của đứa bé sơ sinh, rồi mới chạy ra hành lang báo tin cho thân nhân của bé đang nôn nóng chờ đợi: “con trai... con gái”. Dòm và thấy trong trường hợp này là rất khoa học, rất chinh xác.
“Nhưng nếu ông thanh tra giáo dục hỏi thầy cô đứng lớp rằng: tỉ lệ trai gái trong lớp này chênh lệch bao nhiêu, thì thầy cô đừng dòm, đừng thấy cái “ấy” của các em, để trả lời cho ông thanh tra một cách khoa học và chinh xác. Thầy cô cứ căn cứ trên Giấy Khai Sinh mà trả lời. Chính anh công an xã khi làm Giấy Khai Sinh, đến mục giới tính, anh cũng chỉ tin cha mẹ của bé, chứ không cần dòm và thấy”.
Có rất nhiều trường hợp, không cần thấy mà vẫn tin được. Ông Newton, một nhà toán học vĩ đại đã nói lên điều đó: “Tôi không cần tin có Chúa nữa, vì tôi thấy Ngài quá rõ. Tôi thấy Ngài trong một bông hoa. Tôi thấy Ngài trong một cánh bướm”.
2. Theo sự suy đoán của tôi, thì 99% những kiến thức ta đang có chồng chất trong đầu là do tin chứ không phải do thấy.
Tất cả quý vị đang ngồi ở đây đều chưa bao giờ ra tới Hà Nội để thấy Hà Nội. Nhưng chúng ta vẫn tin có Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam yêu dấu. Ta tin lời dạy của thầy cô môn Sử - Địa. Mà chính thầy cô của chúng ta cũng chưa bao giờ thấy Hà Nội.
Tám mươi sáu triệu dân Việt Nam hiện đang sống, chưa một ai thấy ông Trần Hưng Đạo chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chưa ai thấy vua Quang Trung vẻ vang với trận Đống Đa, nhưng tất cả đều tin và đều hãnh diện về lịch sử của dân tộc mình. Nếu đòi phải thấy mới tin, thì môn Lịch Sử và Địa Lý của thế giới và của các dân tộc sẽ bị xóa sổ trước nhất. Các trường học từ Mẫu giáo Mầm non cho tới các Đại học, Cao đẳng sẽ bị đóng cửa dần dần cho đến hết.
Nếu chỉ thấy rồi mới tin, thì tình nghĩa gia đình cũng phôi pha và tự hủy diệt. Cha mẹ kể chuyện về đời ông cố ông sơ, con cái vặn vẹo: “Cha mẹ đã thấy ông sơ chưa?... Con không thấy, con không tin”.
Trên đời có biết bao ông bà tiến sĩ, kiến thức cồng kềnh. Nhưng kiến thức ấy do thấy hay do tin? Khỏi trả lời.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu