- Tôi cũng có biết chút ít về đạo của ông cha. Nhưng đã biết thì phải biết cho rành. Vậy ông cha có thể tạo điều kiện để tôi tìm hiểu thêm được không?
- Dễ quá chừng. Tôi đề nghị thế này, ông Bảy rủ thêm một số người nữa đến nhà thờ của tôi. Chúng mình uống cà phê với nhau, ăn cơm với nhau và cùng trao đổi về tôn giáo. Nếu một ngày chưa thấy đã, thì mình làm hai ngày, ba ngày,... Được không?
- Để tôi tính rồi báo lại ông cha.
Thế là có một lớp giáo lý dành riêng cho người chỉ tầm đạo, chứ không theo đạo. Lớp đầu tiên có 28 người: Học từ sáng tới chiều. Ăn cơm trưa xong thì ở lại uống cà phê, hút thuốc, đánh cờ, chờ lớp buổi chiều. Dâng một Thánh lễ, rồi mới giải tán.
Có rất nhiều thắc mắc: nặng ký cũng có, lãng xẹt cũng có. Nhưng rất chân thành và cởi mở. Những thắc mắc vui nhất vẫn là vấn đề ăn uống.
1. Chó là loài trung thành với ta, tại sao Công giáo lại ăn thịt chó?
Quả thật tỉnh Cà Mau có mấy họ đạo được thành lập do người Bắc vào sau năm 1978. Người Bắc thích ăn thịt chó, đến độ sợ “xuống Âm Phủ biết có hay không”. Thậm chí người lương dân miền Nam rỉ tai nhau rằng: “Người Công giáo phải mần chó mới có lễ Giáng Sinh”. Nói rằng người Công giáo ăn thịt chó là không đúng, và bảo là không có thịt chó là không có lễ Giáng Sinh thì quả là oan khiên. Nhưng quả thật đạo Công giáo không hề cấm ăn thịt chó. Chính nhà xứ của mình đôi khi cũng mần chó đãi khách.
Nghe ông bạn lương dân chê Công giáo ăn thịt chó, mình thấy nhột nhột. Mình tếu táo trả lời thế này:
- Ông Ba ơi! con chó trung thành thì chúng tôi không mần thịt đâu. Chúng tôi chỉ ăn thịt con chó nào bắt gà hàng xóm, bị hàng xóm mắng vốn, hoặc những con chó đi cắn trộm người ta bị bồi thường 150.000 đồng.
- Dù sao loài chó cũng là thầy dạy ta về lòng trung thành. Chó không bao giờ phản chủ.
- Đúng là chó không bao giờ phản chủ. Còn người ta thì phản cha, phản thầy, phản bạn, có cả phản quốc nữa. Nhưng ông Ba ơi, chó chỉ trung thành với chủ, còn ông nội của chủ đến chơi nó cũng “chơi” luôn đấy. Nó chưa xứng đáng làm thầy dạy của ta đâu.
Cả lớp cười xuề xòa vui vẻ. Ông Ba cũng cười hỉ hả.
2. Đạo Phật cấm sát sanh, tại sao Công giáo sát sanh quá xá, chẳng trừ một con vật nào hết. Vậy đạo Phật có lý hay đạo Công giáo có lý?
- Tôi rất mến luật cấm sát sanh của đạo Phật. Lòng người từ bi hỉ xả tới mức độ không nỡ tâm giết một con sâu, con bọ. Thì lòng đạo đức ấy lớn lao biết chừng nào. Nhưng quả thật, nếu tôi là Phật tử, lương tâm tôi sẽ tự cắn rứt mà chết. Nếu tôi là bác sĩ Phật tử làm sao tôi dám sát trùng. Sát trùng từ quần áo đến kim chích. Sát trùng khi phẫu thuật. Phẫu thuật mà bị nhiễm trùng là một thất bại lớn. Vi trùng cũng là một sinh vật, là một sự sống. Nếu cấm sát trùng thì tôi e rằng các bệnh viện phải đóng cửa hết.
Nếu tôi là nông dân, thì làm sao tôi dám diệt sâu bọ. Rầy nâu phá lúa, đuông đục cổ hủ dừa... Tôi đành bó tay. Rồi làm sao tôi dám nuôi cá, nuôi cua, nuôi gà, nuôi vịt, vì mục đích của chăn nuôi là giết để ăn thịt.
Không phải chỉ vì loài người làm sai mà sát sanh. Chính thiên nhiên đã an bài như thế. Cọp bắt nai, mèo vồ chuột, cá đớp cá... Đó là quy luật sinh tồn mà thiên nhiên đã an bài.
Nếu tôi coi sát sanh là tội lỗi, thì tôi cầm lòng sao được trước cảnh sát sanh lan tràn và thường xuyên như thế. Ngành y sẽ là ngành tội lỗi nhất, vì sát sanh nhiều nhất. Vả lại nếu tôi quyết tâm không sát sanh, thì tôi cũng không thể giữ được. Một lần nấu nước sôi để pha trà, chắc chắn có nhiều con vi trùng phải chết. Một lần quẹt lửa hút điếu thuốc, có thể dăm bảy con vi trùng đang nhởn nhơ trong không khí, bỗng bị chết cháy. Như vậy tôi hữu ý không sát sanh không tránh được. Tội vô ý sát sanh cũng không tránh được. Chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi lương tâm tôi cắn tôi, xâu xé tôi, chẳng biết tôi có sống nổi một ngày hay không?
Mình nói một hơi. Hai mươi tám nét mặt trầm tư. Họ suy nghĩ mông lung. Dường như thấm ý. Không biết nên cười hay nên khóc. Lương tâm họ ray rứt như mình vậy. Luật cấm sát sanh thì hay quá. Nhưng giữ một cách chi li thì cũng dở sống dở chết.
Nhưng thật tình mà nói, cái tinh thần của luật cấm sát sanh thì đẹp quá. Cái lòng nhân ấy lớn quá. Đành rằng không thể không sát sanh, nhưng khi cần phải sát sanh như giết gà làm tiệc, giết heo làm đám cho con, thì người “đao phủ” phải làm cách nào để con vật được chết mau nhất và êm ái nhất. Cũng không nên để trẻ thơ chứng kiến cảnh con thú chết một cách đau thương, gây ấn tượng không tốt cho lương tâm các em.
Những pha đánh “bốc”, những cuộc đấm đá thanh toán trên màn ảnh phải được coi như thiếu đạo đức, làm giảm bớt cái lòng nhân của con người.
3. Đạo Công giáo ăn thịt người. Một người trong lớp kể linh mục Nguyễn Lạc Hóa ăn thịt người như thế này:
ª Nấu một thùng phuy thịt gái đẹp, làm lễ xong thì ăn.
ª Bắt được cán bộ, treo tòn ten trên xà nhà. Đến bữa mới lóc một miếng đem xào.
- Tôi khẳng định với bà con rằng linh mục Nguyễn Lạc Hóa không hề ăn thịt người. Nếu có ai ăn thịt người, thì cũng chỉ ăn chừng 100 gram, xào nấu đàng hoàng, chứ ai lại nấu một thùng phuy. Cọp cũng không ăn hết, huống chi là người, tuyên truyền như vậy là xuyên tạc và phản tác dụng.
Tôi biết về linh mục Hóa rất nhiều, vì ông là linh mục của Giáo phận Cần Thơ. Nếu ông ăn thịt người như vậy thì Đức Giám Mục huyền chức ông ngay lập tức.
Có một lần tôi hỏi linh mục Nguyễn Lạc Hóa về vấn đề này.
- Ông Ba ơi (Ba là ba Tàu) Việt Cộng tuyên truyền là ông Ba ăn thịt người. Vậy thì ông Ba ăn thế nào?
- Tầm bậy. Tao ăn hồi nào. Nhưng cái này là có, đó là lính của tôi khi bắn chết Việt Cộng, thì nó mổ bụng lấy mật đem lên Chợ Lớn bán. Mỗi một người bán được 1400 đồng, bằng hai tháng lương. Cái đó có và tụi nó làm sau lưng tôi.
Vấn đề linh mục Nguyễn Lạc Hóa ăn thịt người là thế. Còn người Công giáo ăn thịt người thì không có. Tôi theo đạo từ thuở mẹ sanh, nay đã 71 tuổi. Tôi chưa ăn thịt người bao giờ và cũng chưa thấy ai ăn bao giờ. Nếu đạo này ăn thịt người thì Nhà Nước phải giải thể rồi. Rõ ràng là xuyên tạc nha. Ai xuyên tạc thì phải tự kiểm điểm lấy. Oan khiên lắm đó.