Một ông linh mục và một ông mục sư gặp nhau. Hai ông cùng hì hục loan báo Tin Mừng trên một cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát. Hai ông thương nhau lắm, nhưng thỉnh thoảng cũng cắn nhau đau. Hai ông cùng nhau chia sẻ Lời Chúa, nhưng lâu lâu lại lấy Lời chúa ra mà nhéo nhau. Bên này lấy Lời Chúa ra để đánh, thì bên kia lấy Lời Chúa ra để đỡ. Đánh - đỡ chan chát.
Ông mục sư trẻ thông minh với vầng trán cao, nhưng lại hiếu thắng với khuôn mặt tam giác lộn ngược. Ông tung chưởng trước.
- Tại sao bên Công giáo ông lại bắt giáo dân gọi linh mục là cha?
- Tôi bắt giáo dân gọi tôi là cha hồi nào?
- Già như ông thì gọi là cha, thì còn tạm được. Có những ông linh mục mới ra trường, mặt non choẹt, mà cũng để ông già gọi mình là cha, mà không mắc cỡ. Cứ tỉnh bơ... khiến tôi phải mắc cỡ giùm.
- Bố tôi lớn hơn thầy giáo của tôi những hai chục tuổi. Vậy mà bố tôi cứ gọi ông ấy là “Thầy” một cách rất tự nhiên. “Mời thầy vào nhà tôi uống nước”; “Khi nào rảnh, mời thầy ghé nhà tôi chơi”; “Cháu mỗ nhà tôi nghịch lắm, xin thầy cứ thẳng tay sửa trị nó”. Nghe cách xưng hô ấy của bố tôi, thấy giáo dạy tôi vẫn tỉnh bơ, không mắc cỡ. Mà tôi cũng chẳng mắc cỡ giùm. Xã hội chấp nhận như thế.
- Xã hội chấp nhận, nhưng Chúa không chấp nhận thì sao?
- Chúa không chấp nhận hồi nào?
- Ông quên Lời Chúa rồi. Chúa dạy rằng: “Đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì chỉ có một Cha ở trên trời mà thôi. Tất cả mọi người chỉ là anh em”.
- Chúa cũng dạy rằng: “Đừng gọi ai là thầy, vì chỉ có Đức Kitô là Thầy”. Vậy tại sao bên Tin Lành của ông lại gọi ông là thầy?
- Tín đồ Tin Lành gọi tôi là thầy hồi nào?
- Không gọi là thầy, nhưng lại gọi là mục sư. Sư chẳng là thầy, thì là cái gì?
- Thế thì cả Công giáo và Tin Lành đều sai. Huề.
- Cả hai bên đều không sai.
- Lời Chúa nói rõ như vậy mà không sai sao được.
- Lời Chúa là vậy. Nhưng ý của Ngài thì không phải như vậy... (ông linh mục im lặng một phút rồi nói tiếp). Tôi xin hỏi ông: “Chúa dạy ta đừng gọi ai là cha...”, vậy thì Chúa gọi Joseph là “anh” hay là “cha”; Chúa gọi bố của Joseph là “ông nội” hay là “anh”. Cũng vậy phải chăng Ngài gọi Maria, bà nội, bà ngoại, thím, cô, dì... đều là “chị” hết? Khi đến nguyện đường, phải chăng Ngài gọi các rắpbi là “anh” tuốt luốt?
- Thế mới kẹt đấy. Tôi chịu thua ông. Ông thắng tôi 1-0. Người già khôn thật. Ông thắng tôi vì ông già hơn tôi, chứ không phải Công giáo thắng Tin lành đâu nhá.
- Thôi, đừng đùa dai nữa. Chúng mình là anh em, nên không có chuyện “thắng - thua”, mà chỉ có chuyện đúng hay sai thôi. Chúng ta nghiêm chỉnh tìm hiểu Lời Chúa, Ý Chúa và Tâm của Chúa.
1. Lời Chúa dạy ta “Đừng gọi ai dưới đất là cha”; “Đừng gọi ai dưới đất là thầy”; “Tất cả chỉ là anh em” rõ ràng là cách nói cường điệu, không nên áp dụng theo nghĩa đen. Nếu trong thực tế, chúng ta gọi tổng thống, chủ tịch nhà nước, ông cố, ông sơ, giáo sư, thằng cu tí... là “anh” tuốt luốt như nhau, thì thế giới này sẽ loạn xà ngầu. Và... chẳng ai theo đạo Chúa đâu.
2. Ý Chúa muốn chống lại tánh tự cao tự đại của các ông kinh sư và Pharisêu thời ấy. Cái tính “cha chú” mới là đối tượng chống đối của Chúa, chứ không phải là cái từ cha và chú. Chúa cũng rất dị ứng với cái tính tự cao tự đại, cho mình là người nắm được chân lý. Không có mạc khải trọn vẹn trong Môsê và trong các đệ tử của ông ấy. Chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Kitô mà thôi. Bằng chứng cụ thể là Chúa đã nói “không” với Môse nhiều lần.
- Môsê cho phép ly dị. Chúa thì dạy rằng: “Điều gì Thiên Chúa nối kết thì con người không được tháo gỡ”. Còn tại sao Môsê cho phép ly dị, thì Chúa bảo rằng: “Vì sự cứng lòng của các ngươi, mà Môsê đã viết ra điều ấy”.
- Môsê bảo phải kiêng đồ uế. Ông đã viết 43 câu trong sách Lêvi chương 11. Chúa hủy bỏ hết chương 11 ấy bằng một câu gọn lỏn: “Mọi đồ ăn đều thanh sạch hết” (Mc 7,19).
- Môsê không cho trị bịnh ngày Sabát. Chúa phá luật này bằng một câu có vẻ châm biếm “Luật các ông cho phép dắt con lừa đi uống nước vào ngày Sabát. Nếu con lừa sa xuống hố vào ngày Sabát cũng được kéo nó lên. Vậy tại sao lại không được cứu người trong ngày Sabát”. Ý Chúa muốn nói rằng Luật coi con lừa hơn con người.
- Môsê ra lệnh ném đá người ngoại tình. Chúa phản đối bằng một lời thách thức: “Ai trong các ông vô tội, thì ném đá trước đi”. Lời ấy thách thức các ông Kinh sư và Pharisêu. Nhưng cũng là thách thức cả Môsê nữa. Dứt dây động rừng là vậy.
Như vậy Môsê, các sứ ngôn chưa phải là thầy. Các ông Kinh sư và Pharisêu càng không phải là thầy dạy chân lý. Cái đầu tương đối thì không thể dạy chân lý tuyệt đối được. Vậy mà các ông kinh sư cứ tưởng giáo huấn của mình là chân lý rồi. Chúa chống lại cái ý thức ấy.
3. Cái Tâm của Chúa là ghét cay đắng cái tính kiêu ngạo và đường lối mục vụ khắt khe của các ông kinh sư và Pharisêu. Ngài còn ghét hơn nữa cái tính giả hình của bọn họ. Ngài đã nặng lời với họ. Ngài đã dùng tới tám câu “khốn cho các ông, hỡi những người giả hình” để tố cáo họ. Lời nói nặng nhất của Ngài là: “Các ông đọc kinh cho dài, để nuốt trỏng tài sản của các bà góa”.
Tại sao Chúa nặng lời như thế? Đó là cái tâm của Ngài. Chính cái Tâm ấy đã khiến Ngài cường điệu mà bảo rằng đừng gọi ai là “Cha”, đừng gọi ai là “Thầy”.
Trong thực tế dưới trần đời ta vẫn có người để gọi là cha, vẫn có người để gọi là thầy. Nhưng tuyệt đối không hống hách, không có tinh thần cha - chú.
Cái Tâm ấy của Chúa cũng nhắn nhủ ta rằng giáo huấn của Môsê và các sứ ngôn chưa có mạc khải trọn vẹn đâu. Chỉ có mạc khải trọn vẹn nơi Người Con - Đấng từ trời mà đến. Môsê và các sứ ngôn chẳng là gì so với Đức Giêsu. Gioan Tẩy giả là sứ ngôn cao trọng nhất của Cựu Ước đã khẳng định điều đó: “Thầy đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Thầy”. Gioan nói như thế, thì Môsê và các ngôn sứ cũng phải nói như vậy. Bản thân các vị ấy không đáng xách dép cho Đức Giêsu, thì giáo huấn của các ngài cũng y như vậy.
Tiếc thay các ông Pharisêu và Kinh sư lại tưởng rằng giáo huấn của Môsê và các sứ ngôn đã có mạc khải trọn vẹn rồi. Buồn hơn nữa các ông ấy tưởng rằng mình đã nắm được mạc khải trọn vẹn và giáo huấn họ chuyển đạt đến các tín đồ Do Thái là chân lý tuyệt đối. Thầy kiểu đó, thì quả thật không phải là thầy.
Đừng gọi ai dưới trần gian này là “Cha” là “Thầy” chỉ là vậy.
À, xin lỗi mục sư, tôi nói hơi nhiều đấy.
- Không sao. Chúng ta hiểu Chúa nhiều hơn và chúng ta thương nhau nhiều hơn. Ông có lý hơn tôi, vì ông già hơn tôi. Nhưng tôi vẫn không gọi là “Cha” đâu nhá.
- Tôi cũng chẳng thích được gọi là “Cha” đâu. Nhột thấy mồ. Nhưng “Là cha” hay “Không là cha” chỉ là chuyện nhỏ. “Làm cha” hay “Không làm Cha” mới là vấn đề.
- Thế ông còn gọi tôi là mục sư nữa không?
- Ông cứ là mục sư, nhưng đừng là “Sư hổ mang”.
Ông linh mục và ông mục sư giã từ nhau. Không bắt tay như thường lệ, nhưng ôm nhau tha thiết như hai anh em ruột. Vẫn là “Cha”, nhưng không “Cha - chú”. Vẫn là mục sư, nhưng không là “Sư hổ mang”. Đẹp vô cùng!
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu