Anh Hai Cay vừa hớt tóc cho cha xứ, vừa kể chuyện về đời mình.
- Tôi có một người bạn theo đạo công giáo. Hai đứa chúng tôi thương nhau lắm. Vì hoàn cảnh khó khăn, nó phải lên Bình Dương kiếm sống. Nó viết thư cho tôi và dặn tôi mỗi ngày phải nhớ và đọc cho nó một Kinh Lạy Cha. Vì thương nó, nên tôi đi dự các khóa Giáo lý Dự tòng của Cha. Thế là tôi hiểu đạo của cha và thuộc Kinh Lạy Cha. Cứ mỗi buổi sáng, khi gà vừa gáy, tôi ra sân đứng trước bàn thờ Ông Thiên, chắp tay đọc KInh Lạy Cha. Tôi vái trời chúc lành cho thằng bạn của tôi. Làm riết rồi tôi mê đạo này luôn. Tôi hướng dẫn vợ con tôi theo đạo Chúa. Còn tôi thì kẹt, không theo đạo này được.
- Tại sao lại kẹt?
- Cha tôi theo đạo Hòa Hảo. Tôi cũng theo đạo của cha tôi. Nếu bỏ đạo Hòa Hảo, thì là bất hiếu với cha, là phản bội đạo của cha. Chắc là tôi phải theo cả hai đạo, thì mới yên tâm được.
- Theo đạo là một chuyện lớn. Bỏ đạo này theo đạo kia cũng là một chuyện lớn. Trước khi quyết định, anh nên suy nghĩ nhiều và cầu nguyện thật nhiều. Cụ thể là mỗi buổi sáng anh đứng trước bàn thờ Ông Thiên đọc Kinh Lạy Cha, xin Chúa chúc lành cho bạn của anh, thì bây giờ anh thêm một ý nguyện nữa là: xin cho ý Chúa thể hiện nơi chính cuộc đời của anh. Trong khi chờ anh cầu nguyện và suy nghĩ, tôi kể chuyện dông dài cho anh nghe chơi.
1. Suốt đời cha anh chỉ có một cái xuồng be mười và chỉ có một cặp chèo. Chèo xuồng đi thăm ông nội. Chèo xuồng đi đám cúng cơm. Chèo xuồng đi hỏi vợ cho con. Chèo xuồng đi chà gạo... Thôi thì trăm thứ chuyện, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, tất cả đều làm với cái xuồng ấy và với cặp chèo ấy. Bây giờ cha anh chết rồi anh thừa kế cái xuồng be mười ấy. Anh lại tiếp tục chèo. Chèo lõm chõm, chèo luồn lách từ rạch này qua rạch kia. Thương quá là thương!
Bỗng thằng con của anh góp ý: “Xuồng chèo bây giờ lạc hậu lắm rồi ba ơi. Mình mua xuồng composite gắn máy đuôi tôm, chạy bảnh hơn nhiều”.
Bây giờ tôi hỏi anh Hai nhá.
- Nếu anh bán xuồng chèo, để mua xuồng máy, thì cha anh ở chín suối có buồn giận anh không?
- Thấy con cái mình làm ăn khấm khá, thì ổng mừng chứ buồn giận gì?
- Thấy anh bán xuồng chèo của ông già, thì xóm giềng có lên án anh là thằng con bất hiếu không?
- Hổng dám đâu. “Con hơn Cha là nhà có phước”. Ai cũng nói vậy đó.
- Người ta thường bảo rằng: Đạo nào cũng tốt, nên theo đạo nào cũng được. Cần chi mà phải đứng núi này trông núi nọ. Để anh yên tâm, tôi kể thêm một chuyện nữa.
2. Anh xách vali đi Sàigòn. Tới ngã ba, lẽ ra anh phải lên xe buýt đi về hướng Bắc, thì anh lại lên xe lam đi về hướng Nam. Đi được một tiếng đồng hồ, anh mới giật mình: “Chúa ơi! Tôi đi lộn đường rồi”. Ông bạn ngồi kế bên góp ý với anh: “Không sao. Đường nào cũng tốt. Cứ tiếp tục đi với tôi. Đường nào cũng dẫn ta tới một mục tiêu nào đó”. Anh nghĩ gì về ý kiến của người bạn đó?...
Ở trên đời này có rất nhiều tôn giáo vừa cao siêu vừa tốt đẹp. Nhưng không phải vì thế mà ta cứ vô bừa đạo nào cũng được. Đạo là đường. Đường nào cũng dẫn ta tới một mục tiêu. Nhưng ta phải chọn. Nếu ta muốn đi Sàigòn thì phải quẹo tay phải để đi về hướng Bắc. Nếu ta muốn đi Cà Mau thì phải quẹo tay trái đi về hướng Nam. Các tôn giáo cũng vậy. Đạo Phật giúp ta diệt khổ để đi vào cõi phúc. Đạo Khổng giúp ta xây dựng một xã hội có tôn ti trật tự. Đạo Kitô đưa ta về với nguồn cội là Thiên Chúa Toàn Năng, Toàn Ái... Đạo nào cũng tốt. Nhưng vẫn phải chọn lựa. Đường nào cũng đưa ta tới một mục tiêu. Nhưng vẫn phải tự hỏi mình sẽ đi về đâu, để chọn một trong các con đường ấy.
3. Có một người theo đạo Phật. Đạo Phật cao quá, đẹp quá. Tìm hiểu và sống đến chết vẫn chưa hưởng hết được cái đẹp của Đạo. Bỗng một ngày nọ, người ấy gia nhập đạo Công giáo. Mừng quá! Bạn cũ bạn mới đua nhau chất vấn.
- Chị bỏ đạo Phật, theo đạo Công giáo, chị có thấy lương tâm bứt rứt gì không?
- Thưởng thức rừng hoa này, rồi sang rừng hoa khác để thưởng thức nữa, thì tại sao lại phải bứt rứt. Chỉ có niềm vui này cộng với niềm vui kia mà thôi.
- Khi chị trở lại đạo Công giáo, thì mặc nhiên là chị đã bỏ đời sống cũ, để mặc lấy đời sống mới.
- Tôi không hề trở lại đạo Công giáo, có đi sai thì mới trở lại. Tôi theo đạo Phật, đạo Phật quá tốt. Như vậy tôi đi đúng đường. Nay tôi thấy đạo của Chúa hợp với ý nguyện của tôi hơn, thì tôi đi tới. Tôi đi tới, chứ tôi không trở lại. Tôi cám ơn Đức Phật đã dìu dắt tôi tới ngưỡng cửa nhà Chúa. Tôi cám ơn Chúa vì Ngài đã đưa tay ra dắt tôi vào nhà của Ngài.
Anh Hai ơi! tôi tặng anh ba câu chuyện trên để anh suy nghĩ và cầu nguyện. Tôi cũng cầu nguyện với anh để “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Lm.Piô Ngô Phúc Hậu