Đây là con dốc cuối cùng và cũng là con dốc cao nhất mà chúng tôi phải chinh phục. Những bàn chân đã mỏi mệt nhưng tinh thần ngày một thêm cao, cao hơn cả con dốc trước mắt. Sắp tới làng Lao, lòng tôi hồi hộp như cô gái đôi mươi lần đầu hò hẹn, như nàng dâu sắp về nhà chú rể. Tim tôi đập trống dồn, vì ước ao, vì háo hức,… và vì mệt!
Lên tới đỉnh đồi, tôi cảm giác mình như được hòa vào trời đất. Những áng mây trôi lờ lững gần ngay bên mình, gần thật gần. Bốn bề núi đồi trùng điệp, từng lớp, từng lớp đến xa ngút tầm mắt. Chúng tôi đã chinh phục được con dốc cao kia. Nhưng hơn thế, chúng tôi là những người chiến thắng, vì chinh phục được chính bản thân mình.
Làng Lao xuất hiện mờ mờ trước mắt. Những mái nhà gỗ thông thở ra mùi khói bếp, hòa vào hơi sương, hòa vào làn mây hờ hững. Tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng gió đu đưa cây rừng xào xạc, tạo nên một bản nhạc thiên nhiên tuyệt diệu. Ai đó ví ở đây như “thiên đàng”. Chắc cũng có phần đúng thật!
- Ở đây có nhà thờ không ông trùm?
- Dạ có!
- Có đặt Thánh Thể không ạ?
- Có luôn!
- Tốt quá! Để bà con có thể mỗi ngày đến viếng Chúa!
- Mình đến nhà thờ luôn nhé! Đến chào Chúa.
Tôi tự hỏi: làm thế nào hạt giống Tin Mừng lại đến được đây để rồi đâm chồi nảy lộc tại nơi xa xôi hẻo lánh này? Đó là một điều thật kì diệu. Đó là một phép lạ. Đó là một câu chuyện dài thật dài. Đó là bàn tay thực hiện của Chúa, ngang qua những tâm hồn đơn sơ và đầy tràn Thần Khí.
Nhà thờ ở giáo điểm này còn đơn sơ hơn “chòi thờ” dưới giáo họ Đồng Hẻo bội phần. Nhà thờ làm bằng gỗ, gỗ và gỗ, nền đất. Điểm nhận biết dễ nhất và chính xác nhất, đó là cây thánh giá trên nóc. Tôi bước qua bậc cửa vào trong, Mình Thánh Chúa ngự trong căn nhà tạm. Đơn sơ và dễ thương quá chừng.
Người ta nói khi nghèo (về vật chất) thì sẽ dễ gần nhau hơn. Chẳng biết có hoàn toàn đúng không, nhưng ở đây, chúng tôi được đón tiếp thật nhiệt tình. Và tôi cảm nhận được sự chan chứa của tình Chúa, tình người nơi đây. Tôi không có cảm giác vừa gặp được những người bạn mới, nhưng cảm giác giống như được về nhà mình vậy. Thật gần gũi và ân cần.
Sau khi chào Chúa, tôi đi chào mọi người. Tôi và thầy đến thăm một số gia đình trong bản, quanh khu nhà thờ. Chợt có tiếng trống hiệu quy tụ bà con giáo dân về nhà thờ cầu nguyện. Chúng tôi đến hiệp thông với mọi người. Những câu kinh, những bài hát tiếng H’Mông vang lên giữa núi rừng u tịch. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng chúng tôi cũng cảm thấy thật tâm tình. Chúa hiệp nhất mọi người nên một.
- Ở đây có thường hay cầu nguyện không ông trùm?
- Buổi tối thứ bảy hàng tuần, bà con giáo dân đến nhà thờ để cầu kinh.
- Thế bao lâu thì có Thánh Lễ ạ?
- Một năm một lần, vào ngày lễ chầu.
Một nỗi buồn từ đâu đến và ương bướng ở lỳ trong lòng tôi. Mỗi ngày tôi đều có điều kiện được đến với Chúa, được tham dự Thánh Lễ. Ấy vậy mà nhiều khi tôi chẳng trân trọng, chẳng ý thức để mà tham dự cho sốt sắng. Thật buồn! Ước mong mình sẽ thay đổi tích cực hơn. Ước mong bà con giáo dân ở đây sẽ được nhiều Thánh Lễ hơn. Chợt mình nghĩ về lý tưởng của mình mà lòng xốn xang, thổn thức. Chúa sẽ làm!
Sau giờ kinh, cả bản cùng ở lại nhà thờ để liên hoan cùng những vị khách miền xuôi. Mà liên hoan thì phải có “nhắm”. Thế là một chú heo đã hy sinh để “tình người thắm lại”. Xin lỗi mi nhé!
Tiếng cười nói rôm rả, vang cả thôn bản nơi rừng sâu. Hết “1-2-3-Zoooô”… Đến “Ib-ob-ped-haus”… Rồi thì “muaj zog”,... Những câu chúc, những lời ca,... Vui như hội. Tiếng Kinh, tiếng H’mông hòa vào nhau rộn rã. Ngôn ngữ không thể ngăn cách được con người ta trao yêu thương, bởi chính yêu thương cũng là một thứ ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ không biên giới, không phân biệt xấu đẹp, sang hèn, không quan tâm tài cao hay thấp,... Chỉ cần một trái tim chân thành luôn cháy lửa yêu mến cùng với ước muốn trao ban, chia sẻ. Những chén rượu cứ thế cạn, tình người cứ thế dâng đầy, đầy mãi.
Tiệc tàn cũng là lúc đêm đã về khuya. Mọi người được trưởng bản (cũng là ông trùm) phân chia về các nhà dân để nghỉ đêm. Tôi may mắn được về nhà ông trùm. Tôi chưa muốn ngủ sớm (dù chẳng còn sớm nữa). Tôi muốn tận dụng thời gian ngắn ngủi bên Làng Lao để cảm nghiệm và thu giữ thật nhiều, đem cất giữ trong tim mình. Bên bếp lửa, tôi lại được nghe ông trùm chia sẻ về hành trình đến với Chúa của mình và bà con trong giáo họ.
Ông may mắn được biết đến đạo Chúa từ khi ông còn mươi mấy tuổi. Khi việc theo đạo gặp khó khăn, ông ra đi. Đi để giữ đức tin vào Đấng ông yêu mến, Đấng đã từng cứu sống bố ông và cứu linh hồn ông nữa. Chính sự ra đi hy hữu của ông lại là cách Chúa dùng ông làm khí cụ. Chúa đã chọn ông làm người gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất hoang vu và xa xôi này. Năm 1982, khi ông đến đây, cả bản chỉ có mình ông là người theo Chúa. Thế rồi ông chia sẻ niềm vui vì đã được gặp Đức Kitô cho mọi người trong bản, có gì ông chia sẻ nấy, niềm tin đơn sơ và chân thành. Chính Chúa Thánh Thần hoạt động nơi ông, để rồi một cách thật tự nhiên, hạt giống Tin Mừng bé nhỏ ấy cứ thế được lớn lên rồi sinh ra nhiều bông hạt khác. Khi số người theo đạo thêm đông, chính ông lặn lội hạ sơn nhờ các Cha lên dâng Thánh Lễ, xin thành lập giáo họ, dựng nhà thờ.
Qua bao nhiêu gian nan, vất vả với niềm hăng say của “người gieo giống”, hay cũng có thể nói chính ông là “hạt giống”, hơn 200 tín hữu H’Mông ngày hôm nay là thành quả thật đáng mừng. Ông cứ âm thầm và đơn sơ như thế, và cách Chúa dùng ông cũng thật diệu kỳ. Tôi thầm cảm phục ông và tạ ơn Chúa thật nhiều. Tôi để những tâm tình ấy cùng những suy tư đưa tôi vào giấc ngủ. Sớm mai thôi, tôi cùng mọi người sẽ lại phải hạ sơn để quay trở về với cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi thầm ước thời gian đêm nay trôi thật chậm, thật chậm.
Chia tay làng Lao mà lòng tôi bùi ngùi tiếc nuối. Cứ muốn ở lại chẳng muốn về. Tiếc ngẩn ngơ. Trách thời gian sao mà trôi nhanh quá. Tôi thu hết từng hình ảnh nhỏ nhất, hít cho đầy không khí, nếm cho thật đã vị của tình người, nén cho chặt từng chút tình cảm của bà con… để đem về miền xuôi. Tôi đi nhưng hồn tôi còn ở lại. Tôi đi nhưng làng Lao đã được tôi cẩn thận cất giữ trong tim mình như một điều trân quý.
Ước mong Chúa luôn quan phòng cuộc sống và Đức Tin của những tín hữu H’Mông nơi giáo điểm xa xôi và còn đầy khó khăn này! Và cũng xin Người gửi đến cho Làng Lao những vị Ân Nhân những người có trái tim rực cháy tình yêu thương để sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn với bà con vùng xa xôi hẻo lánh này.
Xin dành một góc nhỏ trong trái tim cho làng Lao yêu dấu!
Bữa trưa tạm bợ bên bờ suối
Những ống nứa rừng trở nên những chiêc siêu đun nước cực hữu ích.
Trẻ em vui mừng khi được dùng bữa trưa với mỳ tôm cùng các anh chị sinh viên.
Các em nhỏ trên đường trở về nhà sau một tuần học. Đoạn đường dài 30km đi bộ.
Đoạn đường đến Làng Lao 100% là đường rừng núi, đường đi hết sức khó khăn đặc biệt là vào ngày mưa gió. Chính con đường đã làm hạn chế sự giao thương giữa người dân trong bản với cuộc sống bên ngoài. Người dân nơi đây luôn mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các vị Ân Nhân xa gần để làm được con đường thuận tiện hơn.
Làng Lao nằm sâu trong vùng rừng núi, đoàn Bác Ái phải đi bộ 30 km đường rừng.
Bà con đang túc tắc góp gạo làm đường để đoạn đường dễ đi hơn.
Họ giáo Làng Lao là 1 trong 13 họ giáo thuộc giáo xứ Mỹ Hưng – giáo phận Hưng Hóa, do Cha Giuse Cấn Xuân Bằng làm quản xứ.
Địa chỉ: Họ giáo Làng Lao, thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Trấn, tỉnh Yên Bái.