Nói về Đức Ái, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI có viết rằng: “Bác ái là tình yêu thương, là sự chia sẻ, quan tâm đến đau khổ, thiếu thốn về mặt vật chất và tinh thần của từng cá nhân.” (1) Bác ái không chỉ dừng ở lời nói mà cần phải cụ thể bằng hành động thiết thực nhất cho những người đang trong hoàn cảnh khốn khó như: “cho người đói có lương thực, người trần truồng có áo quần, người bệnh được chữa trị chăm sóc…” (2). 18 năm qua, những điều ấy được tập thể thành viên của Chi hội Chữ Thập Đỏ (CTĐ) Công giáo Tòa Giám Mục giáo phận Phú Cường chứng minh và miệt mài thực thi, tiêu biểu là chương trình “Nồi Súp Tình Thương” tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương.
Khó khăn không ngăn được tấm lòng
Thời điểm ấy, năm 1993, Linh mục Micae Lê Văn Khâm (nay là Trưởng ban Caritas Phú Cường) vừa chính thức ra mắt Chi hội CTĐ thuộc Tòa Giám Mục không lâu, đã họp bàn với các cộng sự để tìm kiếm ý tưởng về một hoạt động từ thiện lâu dài phục vụ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên – trong đó có cô Phạm Thị Nhung, chú Nguyễn Ngọc Vang – đề nghị học tập cách làm của các nữ tu Hội dòng Nữ Tử Bác Ái (Thành phố Hồ Chí Minh) là nấu súp hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện. Và, “Nồi Súp Tình Thương” chính thức ra đời.
Những ngày đầu phát cháo tình thương cho người nghèo
Bước đi đầu tiên thường gian khó. Dự án “Nồi Súp Tình Thương” cũng thế. Bên cạnh vấn đề tư nhân không được đi vận động tiền của là quá trình kết hợp với BVĐK tỉnh Bình Dương để triển khai thực hiện không được xuông sẻ. Nhóm phụ trách dự án đã phải kiên trì theo đuổi và sau 6 tháng, ngày 08/10/1994, bệnh nhân 2 khoa Lao và Tâm thần mới nhận được những chén súp đầu tiên, mở đầu cho một chương trình bác ái mà nhiều năm qua, luôn được báo chí, truyền hình nhắc đến vì tính nhân đạo và rộng mở trong cộng đồng của nó.
Những chén súp ấm lòng người
Đều đặn vào 09 giờ sáng các ngày thứ 3, 4, 5 trong tuần, 03 nồi súp lớn được vận chuyển đến BVĐK tỉnh Bình Dương để phục vụ cho bệnh nhân.
Chuyển cháo đến Bệnh viện
Tại khoa Tâm thần, ngay sau khi cánh cửa sắt được mở khóa cài, nhiều bệnh nhân đã tụ tập chờ lấy súp. Một số người còn vui vẻ trò chuyện cùng nhóm phát súp như đã quen thân từ lâu. Dường như, sự xuất hiện của nhóm không chỉ đem đến cho họ miếng ăn ngon mà còn lấp đầy một khoảng trống cô đơn trong những trái tim vẫn cảm nhận và mong mỏi sự ấm áp của tình người. Khoa Nhiễm & các bệnh về phổi (lao), khoa Can phạm, các bệnh nhân đều rất vui khi ra lấy súp. Đây là các khoa bệnh có ít người “ra-vào” vì các loại bệnh này đều hiểm nghèo, dễ lây lan và thậm chí, có người sống để biết cái chết đang đến gần mình. Những người này đa phần không chỉ khốn khổ vì bệnh mà trái tim cũng không lành lặn khi bị gia đình bỏ rơi.
Phát cháo tại khoa Tâm thần
Niềm vui được nhân lên nhiều lần khi nhóm đến các khoa: Nhi, Sản hay Chấn thương… rất nhiều thân nhân của người bệnh đã chuẩn bị sẵn nào là ca nhựa, chén, tô, ca-men để lấy súp… có người đang nuôi người bệnh dài ngày đã biết về chương trình “Nồi Súp Tình Thương”; có người “nghe nói” nên đến lấy. Bác X vừa rời khỏi đám đông lấy súp với 2 ca nhựa súp trên tay với nét mặt hài lòng vừa nói bằng chất giọng Quảng Nam: ”cháu nó bệnh ở khoa Nhi cả tuần rồi cậu ơi! Vô bệnh viện ai cũng có cái lo hết… giàu nghèo gì nữa chứ. Lấy về cho cháu nó ăn, đỡ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. 2 ca cháo thì trưa 1 ca, chiều 1 ca. Mà mấy cô, mấy chú nấu chất lượng lắm!” Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người khác. Một số điều dưỡng, y tá, bác sĩ cũng rất thích món ăn từ thiện này. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, cả 03 nồi súp nhanh chóng cạn veo mà vẫn có người đến hỏi. Ngoài việc đem súp tình thương đến cho bệnh nhân, nhóm đã kiên quyết xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bệnh xã hội và hết mình hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những hoàn cảnh khó khăn khác như tài chính, thuốc men, vận chuyển…
Lòng nhân ái không của riêng ai
Nhà văn (Pháp) Saint Exupéry có nói: “Tình yêu chân chính không bị tiêu hao. Càng cho đi nó càng còn lại. Cũng như bạn đi múc nước ở suối nguồn đích thực, thì càng múc nước càng tuôn trào”. Và dòng suối của tình bác ái đã trào dâng trong lòng rất nhiều người – những người đã góp sức góp của để nuôi dưỡng “Nồi Súp” không bao giờ cạn cho đến ngày hôm nay mà không có bất cứ rào cản nào của tôn giáo, chính trị hay chủng tộc… ngăn trở được.
Đông đảo bà con đến lấy cháo
Vì lẽ đó, sau thời gian khó khăn ban đầu, thì dòng nhiệt huyết nóng bỏng, quyết tâm của nhóm và ý nghĩa nhân đạo thiết thực của chương trình đã gặp được suối nguồn bác ái của nhiều người khác trong cộng đồng. Đó là cô Nguyễn Thị Lành – người luôn dành một phần lương hưu ít ỏi của người giáo viên để hỗ trợ nồi súp; là chị Nga bán rau muống ở chợ dù cuộc sống mưu sinh vất vả vẫn đều đặn đóng góp; là chị Tuyết (ở phường Phú Cường) có gia cảnh nghèo khó, mỗi khi được người khác thương tình cho củi, chị không bán kiếm tiền mà đem tặng hết cả cho chương trình. Ngoài ra, cửa hàng điện Văn Hoa, điện máy Trung Thảo, cô Tư Hồng (chợ Búng), ông Alex (người Úc gốc Hoa), cô Lệ Uyên… và rất nhiều ân nhân khác đã đồng hành với “Nồi Súp” trong suốt thời gian qua. Sự đóng góp của những tấm lòng vàng này đã giúp hàng trăm ngàn hoàn cảnh trong cơn khốn khó của cuộc sống. Chất lượng dinh dưỡng cũng được nâng cao. Ước tính đến nay, nhóm đã nấu khoảng hơn 2.600 lần, phục vụ cho trên 500.000 lượt người. Hiện tại, chi phí cho 1 lần nấu súp là 500.000đ.
Niềm vui, lòng nhiệt thành lan tỏa trong mọi người
Đặc biệt, cần phải ghi nhận tấm lòng nhiệt tình, hết mình thực thi bác ái của các thành viên trong nhóm phụ trách chương trình ngay từ những ngày đầu tiên cho đến hôm nay. Cô Nhung – cựu nhân viên Caritas – hay chú Vang là những người không thể thiếu của chương trình, đã đưa “Nồi Súp” mở rộng mạnh mẽ hơn. Hay bà Nguyễn Thị Trọng nay đã 80 tuổi mà vẫn tham gia nấu và phát súp suốt 18 năm qua; là ông Chín đều đặn đến chẻ củi, nấu nước; là cô Oanh, cô Liễu bị đau khớp nhưng không bỏ lỡ ngày nấu súp nào; là các em sinh viên nhín thời gian học tập đến hỗ trợ phát súp tại bệnh viện… và nhiều cô, bác, anh, chị khác âm thầm đồng hành cùng “Nồi Súp ” với cả tấm lòng chân thành.