Tham dự buổi gặp mặt này có cha Giuse Lê Đoài Túc, Chủ tịch Ban di dân Giáo phận, cha Phó chủ tịch Ban di dân Giuse Nguyễn Hữu Tứ và cha Phaolô Nguyễn Quốc Anh, giám đốc Caritas Giáo phận và quý dì văn phòng cùng với hơn 50 gia đình các anh chị em xa quê từ các giáo xứ vùng xuôi lên lập nghiệp tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 21 tháng 6 năm 2018, sau bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần, ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ Hàm Yên giới thiệu với quý Cha, quý Dì với anh chị em xa quê cũng như giới thiệu anh chị em xa quê với quý Cha, quý Dì. Sau đó cha Chủ tịch Ban di dân Giuse lê Đoài Túc chia sẻ với anh chị em xa quê về những mong muốn, trăn trở của Ban di dân với các anh chị em xa quê, đồng thời cha cũng động viên, khuyến khích tinh thần sống đạo của anh chị em xa quê nơi các giáo xứ mà anh chị em đang sinh sống, cha hy vọng chính đức tin, tinh thần sống đạo của anh chị em xa quê sẽ là những hạt muối, nắm mem nơi giáo xứ, giáo họ mà anh chị em đang sinh sống.
Tiếp sau đó, cha Giám đốc Caritas chia sẻ với anh chị em xa quê Sứ điệp của Đức Thánh Cha về ngày thế giới di dân. Trước hết ngài nói lên lý do, mục đích tổ chức ngày gặp gỡ anh chị em di dân của giáo phận. Sau đó cha chia sẻ với anh chị em về Sứ điệp của Đức Thánh Cha dành cho người di dân năm 2018 với 2 điểm nhấn
“Thăng tiến và hội nhập”.
Thăng tiến, là cố gắng làm sao để tất cả anh chị em di dân, xa quê cùng những cộng đồng đón nhận họ có khả năng được thành đạt trong tư cách là người, trong tất cả mọi chiều kích hợp thành nhân loại như Đấng tạo hóa mong muốn. Trong những chiều kích ấy cần nhìn nhận đúng đắn giá trị của chiều kích tôn giáo, chiều kích tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của anh chị em di dân nơi môi trường mới, vùng đất mới.
Cha Phaolo nhấn mạnh, dù thành đạt trong đời sống nhân bản, trong công việc làm ăn nơi vùng đất mới hay trong đời sống tổ chức gia đình,… Tuy nhiên, một điều không thể thiếu là đời sống đạo. Dù ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, anh chị em cũng phải thành đạt trong việc giữ đạo, sống đạo và truyền đạo. Cha Phaolo cũng đánh giá sự hợp tác và sống đạo của anh chị em di dân rất cao khi cha nói: Có một điều không thể chối cãi được là anh chị em giáo dân vùng xuôi lên vùng ngược làm ăn sinh sống, đã làm sống động cộng đoàn kitô hữu nơi vùng cao, đã quy tụ, chia sẻ nâng đỡ nhau trong công việc làm ăn cũng như trong việc giữ đạo. Đó là điều đáng mừng và đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những anh chị em giữ đạo và sống đạo tốt thì còn một số không ít những anh chi em di dân, xa quê đã bỏ đạo, mất đức tin hoặc lơ là trong đời sống đạo. Cha giám đốc kêu gọi anh chị em xa quê và những người bản xứ hãy nâng đỡ nhau trong đời sống đạo và đời sống thường ngày, để tất cả cùng nhau thăng tiến.
Sau cùng, cha chia sẻ vấn đề hội nhập của người di dân, hội nhậpl à cơ hội phong phú hóa qua việc giao thoa văn hóa nhờ sự hiện diện của anh chị em di dân. Hội nhập không phải là đồng hóa để đẩy người nhập cư đến chỗ xóa bỏ hay quên đi bản sắc văn hóa riêng của họ, nhưng là việc giao tiếp với người khác phải dẫn tới sự khám phá được những bí quyết của họ, cởi mở với họ để đón nhận các mặt đúng đắn của họ và như thế góp phần hiểu biết lẫn nhau hơn. Cha nhắc lại lời của ĐTC Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ bằng nỗ lực chống lại nền văn hóa vô cảm trong thế giới hôm nay. Nền văn hóa gặp gỡ này có nghĩa là bạn thấu hiểu người khác hơn là nhắm mắt làm ngơ. “
Không chỉ thấy mà là nhìn. Không chỉ nghe mà là lẵng nghe. Không chỉ gặp và đi qua mà là dừng lại. và đừng nói: thật hổ thẹn cho người nghèo, nhưng hãy để cho mình được đánh động bởi lòng trắc ẩn”. Cuối cùng cha Giám đốc đưa ra một số đề nghị với anh chị em di dân:
- Ban mục vụ di dân nên tổ chức gặp mặt anh chị em xa quê hằng năm, ít nhất 1 lần 1 năm. Tại các giáo hạt, để gặp gỡ chia sẻ tạo tình liên đới với anh chị em trong lĩnh vực kinh tế cũng như đời sống đạo.
- Anh chị em xa quê cần gắn bó với môi trường mới, làm sống động đời sống đức tin, các sinh hoạt đạo nhằm biến đổi môi trường mới như men trong bột.
- Quan tâm đến anh chị em xa quê có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hay lơ là nguội lạnh trong đời sống đạo để hỗ trợ, nâng đỡ và nhắc nhớ nhau trong việc giữ đạo cho tốt.
Một số hình ảnh ngày gặp mặt